Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 do Bộ KH-ĐT vừa công bố, tính chung trong 12 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài đạt 432,1 triệu USD.
Cụ thể, trong năm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 376,1 triệu USD; có 35 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 56 triệu USD.
Tính chung trong 12 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 432,1 triệu USD.
Trong năm 2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư.
Trên thực tế, làn sóng vươn ra thị trường khu vực của các ngân hàng Việt đang có xu hướng mạnh dần. Đơn cử mới đây, Vietcombank đã khai trương Vietcombank Lào – ngân hàng con đầu tiên tại nước ngoài. Lào cũng là quốc gia có nhiều hiện diện của ngân hàng Việt Nam như BIDV, SHB, MB, Sacombank, VietinBank. Ngày 28/11 vừa qua, VietinBank cũng đã khai trương chi nhánh Vientiane tại Thủ đô Vientiane (Lào). Đây là chi nhánh thứ hai của VietinBank Lào được khai trương và đi vào hoạt động sau khi nâng cấp lên ngân hàng con năm 2015.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, các ngân hàng Việt đang có những tín hiệu tích cực khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Song cũng phải nhìn nhận việc đầu tư ra nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn, khi “chúng ta mới chỉ bước chân vào những thị trường lân cận như Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar. Những khu vực khác còn hạn chế” - vị chuyên gia trên cho biết.
Thông thường, các ngân hàng mở hệ thống chi nhánh tại nước ngoài để theo chân những doanh nghiệp lớn của họ, hoặc nhắm tới các quốc gia có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống. Chính bởi thế, điều này lý giải tại sao các quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar... là thị trường ưa chuộng của các ngân hàng Việt.
Việc sắp tới hàng loạt FTA được ký kết, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực hứa hẹn mở ra những thị trường mới cho các ngân hàng Việt Nam mở rộng hoạt động.
Ngoài lĩnh vực ngân hàng, các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với 82,9 triệu USD và chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ ba với 52,3 triệu USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ hai với 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư 52,9 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Slovakia, Cuba.
Theo nhiều dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường hợp tác chặt chẽ với Chính phủ nước sở tại trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định. Tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa Chính phủ - các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam - các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn các nhu cầu, vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp…