Trước tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng cao trở lại, nhưng khả năng trả nợ lại giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh đến thu nhập người dân.
Thị trường biến động
Sau 10 năm xuất hiện tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm - dịch vụ tài chính tiêu dùng ngày càng đa dạng với các phân khúc khách hàng khác nhau. Phổ biến nhất là những khoản vay tiền mặt, mua trả góp đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính hay phương tiện ô tô, xe máy,... Ngoài ra còn có các nhóm sản phẩm khác như tạo hình thẩm mỹ, chăm sóc y tế, tập thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, du lịch, thậm chí cả dịch vụ nhà hàng tiệc cưới,...
Tuy nhiên, qua khảo sát của FiinGroup, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tài chính tiêu dùng trên thế giới đã sụt giảm 25% trong năm 2020, đưa nợ xấu tăng 100% dẫn đến lợi nhuận giảm gần 200%. Còn tại Việt Nam, ảnh hưởng của dịch bệnh là chưa đáng kể, một phần do có độ trễ và Thông tư 01/NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, hoạt động và chiến lược kinh doanh của các công ty tài chính sẽ được định hình lại sau dịch bệnh, phụ thuộc vào hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi mạnh. Cụ thể, xu hướng tiêu dùng của người dân theo hướng tiết kiệm hơn, chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, y tế, môi trường và lối sống lành mạnh. Ngoài ra, công nghệ số, thương mại điện tử hay mua sắm trực tuyến cũng trở nên phổ biến trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
“Có thể thấy, cho vay tiêu dùng hiện đang dịchchuyển dần từ các phương thức truyền thống sang sử dụng công nghệ cao như khai thác dữ liệu khách hàng, tiếp thị, thẩm định trực tuyến qua mạng thông qua dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và giải ngân trực tiếp vào tài khoản, ví điện tử khách hàng”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp) công bố khảo sát cho thấy có tới 90% người Việt được hỏi cho biết thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực, 41% thu nhập hộ gia đình giảm hơn 20% vì dịch COVID-19. Dịch không chỉ khiến thu nhập của người dân sụt giảm mà cũng làm thay đổi hành vi thanh toán của người dùng, giảm xài tiền mặt, ưu tiên ví điện tử và thanh toán online.
Như vậy, COVID-19 đã làm thay đổi bối cảnh của ngành tài chính tiêu dùng khi thói quen của khách hàng thay đổi, vô hình chung thúc đẩy hành vi thanh toán không tiền mặt gia tăng như sử dụng thẻ tín dụng và tích hợp mô hình của các công ty tài chính với nền tảng trực tuyến. Tiêu biểu là việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu qua kênh thương mại điện tử tăng đột biến trong suốt mùa dịch.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit nhận định, trước tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng cao trở lại, nhưng khả năng trả nợ lại giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh đến thu nhập người dân. Trong bối cảnh đó, FE Credit sẽ duy trì quan điểm thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng và thẩm định khách hàng.
Cuộc đua thị phần
Ngoài các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng trong nước, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh cũng tham gia vào thị trường như Shinhan Finance hay Lotte Finance,… Mặc dù diễn biến xấu của dịch bệnh xuyên suốt năm 2020, nhưng cuộc đua thị phần vẫn hết sức hấp dẫn khi các doanh nghiệp này luôn tìm cách mua các lại công ty trong nước, nhằm thâu tóm thị trường.
Trong vòng xoáy biến đổi, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các nguồn lực để góp phần phát triển thị trường đi lên mạnh mẽ hơn. Cụ thể, sự thay đổi mang tính khác biệt, tiến bộ về sản phẩm, phương thức tiếp cận khách hàng và cung ứng dịch vụ là những yếu tố tiên quyết, gắn liền với môi trường số hóa và hệ sinh thái nhiều tiện ích, gia tăng trải nghiệm để đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng. Nếu không bắt kịp xu hướng, các tổ chức tài chính sẽ phải đối mặt với sự đào thải như một quy luật tất yếu của thị trường.
Đại diện một công ty tài chính tiêu dùng cho biết, nếu trước đây, khách hàng phải gọi điện đến công ty để được giải đáp thì nay công ty đã phát triển các ứng dụng để khách hàng theo dõi khoản vay, giúp khách hàng nhanh chóng tra cứu thông tin kịp thời mà không cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng, kịp thời giải đáp các thắc mắc và tăng trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ. Những nỗ lực này đã được đưa ra nhằm tối ưu hóa chi phí và giảm các tương tác trực diện kể cả trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Hay tại Mcredit, khách hàng có thể thanh toán khoản vay mọi lúc, mọi nơi qua các kênh thanh toán online mà công ty này liên kết với các đối tác như App MB Bank, Ví điện tử MoMo, Website Payoo, App Viettel BankPlus, App ViettelPay. Trong trường hợp khách hàng sử dụng App MB Bank có thể đăng ký dịch vụ trích nợ tự động rất nhanh chóng và tiện lợi.
Còn theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit, công ty này đã mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ của mình như trả góp thiết bị điện máy, thiết bị gia dụng, thẻ tín dụng, bảo hiểm liên kết… đáp ứng nhu cầu ngắn và dài hạn của khách hàng. Đặc biệt, FE Credit tiên phong ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cấp thiết của khách hàng, với hơn 2,2 triệu thẻ tín dụng đã được phát hành, bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội.
“Xu hướng chuyển đổi từ mô hình vay truyền thống sang hình thức vay trực tuyến ngày càng tăng cao nhờ các ưu điểm vượt trội hơn. FE CREDIT đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP”, ông Phúc chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm