Bình luận

Tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản: Giải pháp từ chính sách tài chính

Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cấp cao về Thuế và Quản trị doanh nghiệp 30/08/2024 03:20

Chính sách, giải pháp tài chính tốt và phù hợp sẽ bảo đảm gắn kết được bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học), từ đó sẽ có đóng góp vào việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, tình hình tài chính trong ngành nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Chi phí sản xuất nông nghiệp đang còn cao, đưa đến hệ quả tất yếu là lợi nhuận thu được từ nông nghiệp còn rất thấp. Điều này gây khó khăn cho nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp trong việc đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Chính sách còn bất cập

Cùng với chi phí sản xuất (bao gồm chi phí giống, phân bón/thức ăn chăn nuôi, vật tư, thuốc bảo vệ cây trồng/vật nuôi, lao động và chi phí vận chuyển…), tài chính và tín dụng, các chính sách thuế và hỗ trợ của Nhà nước có tác động lớn đến tình hình tài chính của nông dân, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp.

nong-nghiep.png
Chính sách và giải pháp tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo tính bền vững.

Trước hết, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng với phân bón là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nông nghiệp. Trước đây, Luật thuế GTGT quy định phân bón chịu thuế GTGT ở mức thấp (5%), doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, được hoàn thuế. Từ năm 2015, phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT với quan điểm Nhà nước dành ưu đãi cao cho nông nghiệp, kỳ vọng sẽ giảm được giá phân bón để nông dân có lợi.

Tuy nhiên, với cơ chế vận hành do Luật quy định, không chịu thuế GTGT có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn đến việc giá thành phân bón bị tăng lên do phải cộng thêm khoản thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.

Thực tiễn thi hành Chính sách thuế GTGT đối với phân bón như trên đã gây ra những tác động lớn đến nông dân, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và môi trường kinh doanh. Cụ thể là tăng chi phí sản xuất do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giá thành sản xuất phân bón tăng lên, đẩy giá bán tăng lên dẫn đến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng. Thực tế doanh nghiệp nhập khẩu phân bón luôn định giá bán cho nông dân, HTX theo sát mức giá bán phân bón trong nước (giá đã bị cộng thêm phần thuế GTGT đầu vào).

Như vậy, phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT thực tế đã gây ra ba (3) tác động đồng thời là: Nhà nước bị mất nguồn thu thuế GTGT từ phân bón nhập khẩu, nhà nông không được hưởng phân bón có giá giảm, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước chịu sức ép cạnh tranh, bất lợi so với phân bón nước ngoài tại ngay trên sân nhà mình. Cùng với đó là khó khăn trong việc tiếp cận phân bón chất lượng; chi phí sản xuất cao, năng suất và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng cũng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đối với khâu tiếp sau sản xuất nông nghiệp (sơ chế, giết mổ, bảo quản sau thu hoạch), thực tiễn thi hành chính sách thuế GTGT theo Luật số 106/2016/QH13 có tác động rất lớn như: Doanh nghiệp, HTX hoạt động trong khâu tiếp sau sản xuất nông nghiệp áp dụng quy định không khai, không tính thuế GTGT đầu ra, cho nên toàn bộ thuế GTGT đầu vào đã trả (do đầu tư mua sắm trang thiết bị sơ chế, giết mổ sạch, xử lý mầm bệnh, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển) phải ghi sổ treo dồn lại, không được xử lý vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp, HTX càng đầu tư thêm thì vốn sẽ càng bị bào mòn đi 10%.

Hệ quả tiếp theo của chính sách thuế này là doanh nghiệp chuyên trồng trọt, chăn nuôi bị tăng giá thành do thuế GTGT đầu vào; doanh nghiệp chuyên sơ chế, giết mổ sạch, bảo quản sau thu hoạch bị kẹt vốn, mất dần 10% vốn. Như vậy, sẽ không khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn huy động vốn, đầu tư vốn để tham gia chuỗi giá trị nông sản theo mô hình tổ chức chuyên môn hóa cao và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

Đề xuất và kiến nghị

Nhằm tháo gỡ các nút thắt, giảm gánh nặng chi phí cho nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, tổ chức sản xuất hiện đại, chuyên môn hóa cao, tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, trước hết cần áp dụng thuế GTGT đối với phân bón ở thuế suất thấp, đồng thời thực hiện khấu trừ, hoàn thuế để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón có cơ hội giảm giá bán cho nông dân. Trường hợp giữ như quy định hiện hành thì áp dụng quy định cho khấu trừ và hoàn lại thuế GTGT đầu vào để doanh nghiệp sản xuất phân bón không bị khó khăn, không đẩy thuế vào giá bán. Trên cơ sở đó giúp cho giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của nông dân, của HTX nông nhiệp, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón.

Bỏ quy định “không khai, tính nộp thuế GTGT” đối với các khâu kinh doanh sau sản xuất nông nghiệp như sơ chế, giết mổ sạch, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, xử lý mầm bệnh, đóng gói, vận chuyển và bán nội địa để các doanh nghiệp hoạt động trong khâu này được ghi nhận vào chi phí khoản thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư tham gia chuỗi liên kết.

Cần có quy định xử lý tồn tại về thuế GTGT đang tồn dư chưa có nguồn để xử lý khấu trừ tại các doanh nghiệp sơ chế nông sản, giết mổ, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, xử lý mầm bệnh, đóng gói, vận chuyển (doanh nghiệp đang hạch toán treo lại từ ngày 01/7/2016 đến nay do thay đổi cơ chế tại Luật số 106/2016/QH13) để các doanh nghiệp này không bị mất vốn, có thêm nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị nông sản.

Thứ hai, cần tăng cường áp dụng và bảo đảm thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng cho nông dân, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp, bao gồm: cung cấp các khoản vay ưu đãi: Nhà nước cần cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp với điều kiện thuận lợi cho nông dân, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp, giúp họ có đủ nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; Hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển: Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng và vật nuôi mới, các công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ cho nông dân, HTX và doanh nghiệp để từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Thứ ba, Bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ quan trọng giúp nông dân giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản trước các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Cần xây dựng cơ chế bảo hiểm nông nghiệp phù hợp, bao gồm: Bảo hiểm cây trồng và vật nuôi: Cung cấp các gói bảo hiểm cho cây trồng và vật nuôi, giúp nông dân bảo vệ tài sản và sản xuất trước các rủi ro về thời tiết, dịch bệnh; Hỗ trợ tài chính cho bảo hiểm nông nghiệp: Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cho bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm việc trợ cấp một phần phí bảo hiểm, giúp nông dân, HTX hoạt động nông nghiệp có thể tiếp cận các gói bảo hiểm với chi phí hợp lý.

Thứ tư, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, bao gồm: Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Cung cấp các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, từ đó thúc đẩy đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp; Hỗ trợ hạ tầng và logistics: Đầu tư vào hạ tầng và logistics, bao gồm hệ thống giao thông, kho tàng, bến bãi và các cơ sở chế biến nông sản, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ năm, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, gồm:

Xây dựng thương hiệu nông sản: Xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Thương hiệu mạnh sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị gia tăng.

Mở rộng thị trường xuất khẩu: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản.

Xây dựng hệ thống tiêu thụ trong nước: Phát triển các hệ thống tiêu thụ nông sản trong nước, từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến chợ truyền thống. Đồng thời, cần khuyến khích tiêu dùng nông sản trong nước thông qua các chương trình quảng bá, tuyên truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản: Giải pháp từ chính sách tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO