Mô hình Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam theo hai chiều sâu và rộng sẽ giúp hiện thực hóa ước mơ giàu mạnh của dân tộc.
Quyển sách Quốc Gia Khởi Nghiệp được phát hành rộng rãi miễn phí tại Việt Nam trong những năm trước đã tạo nên ước vọng cho cả dân tộc Việt Nam. Trong thời gian qua, chúng ta hình như bị ám ảnh bởi từ ngữ Quốc Gia Khởi Nghiệp cho định hướng phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam. Các chương trình hành động lấy những nguyên tắc và nguyên lý triển khai tại các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên kết quả hình như chưa đạt được kỳ vọng và mong muốn của chúng ta. Có lẽ chúng ta cần phải thay đổi nhằm vận dụng thành công hơn những gì Israel làmđược trong bối cảnh của Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam rất khác biệt với Israel về các điểm như sau 01- Về lịch sử, dân tộc Israel đã phải sống trên cả thế giới khi họ không có quốc gia. Họ vẫn giữ được tiếng nói và văn hóa của mình. Trong mỗi con người Israel đã là một chiến binh khởi nghiệp 02- Người Israel hiện diện rất nhiều trong ngành tài chính trên thế giới tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn tài chính 03- Israel cũng sở hữu các nhà khoa học và nghiên cứu hàng đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ trên cả thế giới 04- Israel có những mối quan hệ tốt với châu Âu và Mỹ - những quốc gia hàng đầu về khoa học công nghệ và kinh tế. 05- Văn hóa Israel - nền văn hóa chấp nhận thất bại, khuyến khích con người kiến tạo.Đó chính là những nguồn lực, Việt Nam không thể có được trong một thời gian ngắn.
Thứ hai, câu ngạn ngữ “mọi con đường đều dẫn tới Rome“ có thể áp dụng tại đây. Quốc Gia Khởi Nghiệp là ước muốn của mọi dân tộc nhưng con đường tới đó thì sẽ rất khác nhau. Chúng ta- Việt Nam cần phải suy nghĩ , vận dụng và sáng tạo con đường riêng của mình để biến Việt Nam thành Quốc Gia Khởi Nghiệp. Các điểm khác biệt của chúng ta như sau 01- Việt Nam là đất nước của nông nghiệp, du lịch và ngành công nghệ thông tin 02- Doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ 03- Trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn rất hạn chế đặc biệt trong các lĩnh vực phần cứng ví dụ cơ khí, công nghệ cao v/v 04- Kết nối của chúng ta với thế giới như vốn, khoa học tri thức còn hạn chế 05- Văn hóa Việt Nam chưa quen với những thất bại đặc biệt với những thất bại có chi phí lớn từ vài trăm ngàn USD trở lên.
Thứ ba, nhằm định hướng cho đúng phong trảo khởi nghiệp tại Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ chúng ta muốn gì từ Quốc Gia Khởi Nghiệp. Có 05 mục tiêu quan trọng từ khởi nghiệp đó là 01- Tạo ra những sản phẩm/ dịch vụ của tri thức Việt Nam 02- Gia tăng việc làm và khuyến khích tự tạo việc làm thông qua khởi nghiệp 03- Gia tăng lợi nhuận thông qua các loại thuế 04- Thúc đẩy khoa học công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam 05- Gia tăng năng suất, hiệu suất và đổi mới sáng tạo trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cần rất thực dụng sử dụng khởi nghiệp như một công cụ để giải quyết các bài toán và mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta cần tránh những mục tiêu mang tính chất hào quang như tạo ra những Uniconr tỷ đô cho khởi nghiệp Việt Nam. Điều đó là cần thiết nhưng không phải là tất cả. Mục tiêu khởi nghiệp cần phải có bề sâu như Unicorn nhưng cũng cần phải có bề rộng – giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam.
Từ những suy nghĩ nêu trên, Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam có hai phương hướng tiếp cận lớn tầm mức quốc gia đó là 01- Kiến tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp như các nước phát triển – Israel đã thực hiện 02- Sử dụng khởi nghiệp như công cụ và phương pháp xử lý các bài toán của nền kinh tế Việt Nam.
Bài viết sẽ chỉ tập trung vào vấn đề thứ hai chưa được đề cập nhiều trong các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam. Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề như sau:
01- Các ngành ưu tiên: Các chương trình hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp cần tập trung vào những ngành chúng ta có thế mạnh tự nhiên và giá trị bản địa như du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin v/v. Các startup có những giải pháp hay công nghệ ứng dụng trong các ngành này cần phải được ưu tiên hỗ trợ hơn các ngành khác. Mỗi tỉnh và địa phương tại Việt Nam có những thuận lợi khác nhau và chương trình khởi nghiệp của từng địa phương cần tập trung những ngành ưu tiên của mình.
02- Các vấn đề ưu tiên: Các vấn đề khó khăn của nền kinh tế Việt Nam như giáo dục, môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo , gia tăng năng suất và hiệu suất cần được ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ví dụ chúng ta đang có hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần phải thự chiện chuyển đổi số, gia tăng sáng tạo. Như vậy các startup nào đang cung cấp các giải pháp công nghệ như phần mềm, đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong doanh nghiệp SME cần phải được hỗ trợ tối đa. Khi các doanh nghiệp startup này mạnh lên sẽ giải quyết các vấn đề SME đang gặp phải. Các startup như edtech, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành doanh nghiệp cần phải được ưu tiên trong các chương trình phát triển khởi nghiệp quốc gia.
03- Thúc đẩy chất lượng và chuyển hóa nguồn nhân lực Việt Nam: Có thể nói khởi nghiệp là môi trường hoàn hảo rèn luyệt các điểm thiếu và yếu của nhân lực Việt Nam như thái độ, tinh thần chiến đấu, sự sáng tạo. Cac hoạt động Quốc Gia Khởi Nghiệp cần hướng tới kiến tạo Nhân Lực Việt Nam Khởi Nghiệp tham gia làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp truyền thống. Sự thay đổi quan trọng nhân lực thế kỷ 21 đó là khởi nghiệp trở thành những năng lực quan trọng trong khung năng lực nhân lực. Đây cũng chính là mục tiêu của các trường đại học khi triển khai đào tạo khởi nghiệp cho các em sinh viên. Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức và thực hiện các chương trình đào tạo cung cấp kiến thức, phương pháp , công cụ khởi nghiệp như trải nghiệm khách hàng, khởi nghiệp tinh gọn, mô hình kinh doanh, đổi mới sáng tạo, kỹ năng và quản lý số cho lãnh đạo và nhân viên.
04- Khởi nghiệp trong doanh nghiệp: Quá trình các doanh nghiệp tái khởi nghiệp, tái định ghĩa mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ , áp dụng cá công cụ khởi nghiệp trong điều hành kinh doanh có thể coi là quá trình doanh nghiệp đi khởi nghiệp. Đây là mảng chưa được đề cập nhiều trong các hoạt động hõ trợ khởi nghiệp. Chúng ta có thể thấy ví dụ điển hình khi các doanh nghiệp taxi truyền thống đang thất bại trước taxi công nghệ. Vấn đề này sẽ còn lặp lại trong các ngành khác nếu như phong trào khởi nghiệp trong doanh nghiệp không được hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ. Quốc gia khởi nghiệp Việt Nam cần có những chương trình tái khởi nghiệp cho doanh nghiệp như đào tạo, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ tư vấn nhằm giúp doanh nghiệp lớn chuyển hóa thành công trong hội nhập khu vực, thế giới dưới áp lực của cuộc cách mạng 4.0.
05- Mô hình lai SME/ Startup: Trong bối cảnh Việt Nam nói trên, để xây dựng một doanh nghiệp startup đúng nghĩa như áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới và có mô hình nhân rộng rất ít và khó thành công, Chúng ta cần thực dụng hơn xây dựng mô hình của Việt Nam đó chính là mô hình lai giữa SME và Startup. Các phong trào khởi nghiệp cần có các phiên bản thúc đẩy tạo dựng SME, thúc đẩy SME hay mô hình lai cả hai. Trên thực tế có rất nhiều Startup thành công khi tư duy theo mô hình lai khi phần SME trong doanh nghiệp để tồn tại trước mắt và phần Startup trong doanh nghiệp để hướng đến tương lai. Thúc đẩy các bạn trẻ khởi nghiệp kiến tạo ra các doanh nghiệp SME là hướng tiếp cận thực dụng và thực tiễn tại Việt Nam. Cuộc cách mạng 4.0 với những công nghệ mới cho phép các doanh nghiệp SME có quy mô và doanh thu hoạt động lớn hơn gấp nhiều lần các doanh nghiệp SME truyền thống. Đây là mảng ghép lớn nhất còn thiếu trong hệ sinht hái khởi nghiệp tại Việt Nam.
06- Thương mại hóa các nghiên cứu khoa học: Chúng ta hay nói tới sinh viên và thanh niên khởi nghiệp tuy nhiên chúng ta chưa nói tới các nhà khoa học và nghiên cứu khởi nghiệp. Đây là mảng thiếu nhất về công nghệ tại Việt Nam. Khởi nghiệp muốn thành công và nhân rộng cần có công nghệ và đổi mới sáng tạo. Rõ ràng các nhà khoa học và nghiên cứu là những cá nhân sở hữu đầy đủ nhất những nguồn lực cho khởi nghiệp khoa học công nghệ. Hơn thế nữa, các hoạt động khoa học công nghệ đã nhận đầu tư từ nhà nước khi phát triển. Chúng ta chỉ cần bổ xung tiếp các hoạt động thương mại hóa và kết nối doanh nghiệp/ nhà đầu tư với cộng đồng khoa học. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần nghiên cứu các chương trình đã giúp thương mại hóa thành công như Lean LauncPad đã áp dụng tại Mỹ và Singapore.Các chương trình tư vấn, đào tạo và hỗ trợ cộng đồng các nhà khoa học thương mại hóa cần được áp dụng nhanh nhất có thể. Có thể chúng ta nên có chương trình quốc gia “ Nhà Khoa Học Khởi Nghiệp” một cách nhanh nhất.
Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam cần phải được hình thành để giải quyết các bài toán và yêu cầu phát triển của Việt Nam nhằm tạo ra những giá trị Việt Nam mong muốn. Chúng ta cần nghiên cứu áp dụng những nguyên tắc và nguyên lý Israel đã thành công trong lịch sử để áp dụng vào bối cảnh và nguồn lực của Việt Nam. Trụ cột của Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam theo chiều rộng đó chính là nguồn nhân lực mang tâm thế, thái độ khởi nghiệp, cộng đồng nhà khoa học khởi nghiệp và cuối cùng các startup được hình thành để giải quyết các bài toán và vấn đề hiện tại của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp kiến tạo doanh nghiệp tỷ đô theo chiều sâu như Israel. Mô hình Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam theo hai chiều sâu và rộng sẽ giúp hiện thực hóa ước mơ giầu mạnh của dân tộc.