Trong bối cảnh thế giới đã và đang biến chuyển khó lường, mọi người đang chờ đợi rất nhiều vào việc hàn gắn mối quan hệ Mỹ- Trung để cùng chung tay giải quyết những điểm nóng hiện nay.
>>Quan hệ Mỹ - Trung đang “tan băng”
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm đến Mỹ từ ngày 26-28/10/2023, ông Vương là quan chức cấp cao Trung Quốc duy nhất đến Mỹ trong vòng 5 năm gần đây.
Sự gián đoạn ngoại giao này phản ánh chính xác tình trạng quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới - xuống dốc trầm trọng kể từ khi cựu Tổng thống D. Trump phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc hồi năm 2018.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong chuyến thăm này, ông Vương Nghị sẽ đi sâu trao đổi về quan hệ Trung - Mỹ cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, giao lưu hữu nghị với nhân sĩ các giới của nước này, đồng thời bày tỏ lập trường nguyên tắc và quan ngại chính đáng của Trung Quốc về quan hệ song phương.
Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ cùng với Trung Quốc tăng cường liên lạc đối thoại, mở rộng hợp tác thực chất, kiểm soát ổn thỏa bất đồng, cùng thúc đẩy quan hệ quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.
Tuy còn bỏ ngỏ khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden có thể gặp nhau, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định, chuyến đi của ông Vương Nghị còn có ý nghĩa mở đường để hai nhà lãnh đạo hàng đầu có thể đối thoại trực tiếp bên lề sự kiện APEC San Francisco. Điều này cũng trực tiếp đề cập đến kịch bản ông Tập sẽ đi Mỹ trong tháng 11 tới.
Quan hệ Trung - Mỹ có dấu hiệu cải thiện kể từ khi hai nhà lãnh đạo cao nhất gặp gỡ bên lề Thượng đỉnh G20 tại Bali - Indonesia. Liền sau đó, rất nhiều quan chức cốt cán trong nội các ông Biden lần lượt đến Bắc Kinh.
Như vậy, có thể coi chuyến đi của ông Vương Nghị lần này là kết quả của nỗ lực tích cực hơn từ phía Washington. Tại sao Mỹ chọn cách tiếp cận chủ động? Bởi điều này là đặc điểm ngoại giao bao trùm của slogan “Nước Mỹ trở lại”.
>>Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ Alaska
Trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Joe Biden muốn chứng minh trước cử tri khả năng đàm phán với tất cả đối tác. Nhưng đồng thời ông Biden cũng không được phép xuống thang quá mức trước đối thủ lớn nhất.
Đặc biệt, xung đột Israel - Hamas ngày một khốc liệt, Nhà Trắng muốn thêm một tiếng nói rất trọng lượng từ Bắc Kinh với các đối tác ở Trung Đông để ổn định tình hình. Việc kiểm soát tốt căng thẳng ở Trung Đông đều có lợi cho Mỹ và Trung Quốc.
Cho dù mâu thuẫn nảy sinh trên rất nhiều khía cạnh nhưng Bắc Kinh và Washington vẫn muốn quản lý tốt hơn căng thẳng, để mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất của thế giới sẽ không bị chệch hướng dẫn đến hệ quả thảm khốc.
Hàng loạt cuộc gặp cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra, những vấn đề thảo luận được đánh giá là “thực chất, cụ thể và mang tính xây dựng”; 2 nhóm công tác song phương trong lĩnh vực kinh tế và tài chính đã làm việc liên tục từ tháng 7 sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Các nhóm công tác này được cho là dự thảo các vấn đề mang tính khung khổ mà ông Tập và ông Biden sẽ thảo luận để đi đến các ghi nhớ sẽ ký kết, mang đến cái nhìn thống nhất, tránh căng thẳng leo thang.
Có thể bạn quan tâm