Hội nhập, mở cửa thì doanh nghiệp, doanh nhân chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế dùng phát minh mới,sản phẩm mới chuyển tải thương hiệu quốc gia với bè bạn năm châu…
Nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô được biết đến với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng ở giai đoạn giữa thế kỷ 20. Điều ý nghĩa nhất mà con người này để lại cho hậu thế chính là sự dấn thân của người làm kinh doanh đối với hoàn cảnh của đất nước, phận người yếu thế trong xã hội.
Khoảng 5.000 cây vàng đã được gia đình ông thiện nguyện giúp đỡ chính quyền cách mạng non trẻ, đây là số tiền không hề nhỏ. Bản thân ông Bô cũng trở thành người cộng sản chân chính, từng giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội cho đế ngày nghỉ hưu.
Từ Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi đến Trịnh Văn Bô và hàng trăm nhà kinh doanh yêu nước khác đã cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong từng chặng đường phát triển của đất nước.
Họ chính là tinh hoa của thời đại, xuất hiện đúng thời điểm và biết cách phát huy, cống hiến tài năng trí tuệ của mình cho dân cho nước. Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà chứng minh cho người ngoại quốc thấy người An Nam hoàn toàn có thể dựa vào mình để tồn tại.
Thì, doanh gia Trịnh Văn Bô - một lần nữa khẳng định nguyên lý biện chứng, kinh tế quyết định chính trị, cũng giống như vật chất quyết định ý thức. Sự thắng lợi của cách mạng tháng 8 thể hiện ý chí sắt đá phải độc lập, nhưng sức mạnh để giữ được chế độ mới ra đời phải cần nền tảng kinh tế. Chân lý “dân giàu nước mới mạnh” là ở chỗ này.
Đến hôm nay, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tồn tại được 2/3 thế kỷ, tình hình khác trước hoàn toàn, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi đó là cần kinh tế để làm vững vàng hơn chính trị, bệ đỡ cho nước Việt Nam hòa nhập, tránh tụt hậu so với thế giới.
Dĩ nhiên, phải cần nhiều hơn những Trịnh Văn Bô của thế kỷ 21, thậm chí là đội ngũ “doanh nhân dân tộc” luôn lấy triết lý “giàu vì dân vì nước mới giàu” làm kim chỉ nam. Có như thế nước ta mới có nền kinh tế có chiều sâu, nền tảng kinh doanh bén rễ sâu vào cộng đồng.
Nói như thế là bởi, trong kinh doanh, ngoài việc phải giải quyết bài toán thiệt hơn, đo lường lợi thế cạnh tranh, trực diện với nhiều đối thủ thì có một thứ vũ khí nên tận dụng là tinh thần dân tộc.
Chúng ta đang sống trong một xã hội “phẳng” hơn bao giờ hết, khi mà xu hướng kinh doanh được đúc kết trên tầm vóc cao hơn là phụng sự xã hội thì càng cần có tầng lớp doanh nhân mang trong mình tinh thần dân tộc.
Rất nhiều nơi ở đất nước này, hàng triệu triệu hoàn cảnh nghiệt ngã đã được cánh tay doanh nhân doanh nghiệp nâng đỡ. Dịch COVID-19 bùng phát, một lần nữa hàng ngàn doanh nghiệp tự giao cho mình trách nhiệm thiện nguyện với đồng loại.
Hội nhập, mở cửa, chúng ta lấy gì để “chơi” với quốc tế? Hiển nhiên là tiềm lực doanh nghiệp, doanh nhân. Bây giờ - họ chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế dùng phát minh mới, sản phẩm mới chuyển tải thương hiệu quốc gia với bè bạn năm châu.
Cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày nay đều quy về mặt trận kinh tế, nơi nào có nhiều đại công ty nơi đó có tiếng nói càng trọng lượng. Sức mạnh quốc gia ngày nay phần lớn được đong đếm bằng sức mạnh của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp.
Ngày xưa, Trịnh Văn Bô dùng tài chính giúp cách mạng thì ngày nay vẫn có những Trịnh Văn Bô khác đem tâm sức, trí tuệ gắn vào dòng chữ “Made in Vietnam” xuất cảng. Hai hoàn cảnh lịch sử, hai cách thức khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là làm cho “dân thịnh nước cường”.
Có thể bạn quan tâm