Mỗi lần thế giới đối mặt với các dịch bệnh cúm, những người dân vùng tâm dịch lại phải chịu đựng chung một gánh nặng: sự hoài nghi, quay lưng, thậm chí kỳ thị, phân biệt...
Việc dịch cúm mới do virus Corona gây ra bùng phát tại Trung Quốc và đa số các ca nhiễm bệnh là người dân quốc gia này đã vô tình làm bùng lên vấn đề kì thị người Trung Quốc nói riêng và với người châu Á nói chung tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều người đã bày tỏ rằng quốc tịch của họ đã khiến bản thân cảm thấy như bị cộng đồng ruồng bỏ vì dịch bệnh. Cụ thể, các nạn nhân đã đồng loạt lên tiếng bằng hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải virus) vươn lên đứng đầu các trang mạng xã hội tại Pháp.
Có thể bạn quan tâm
16:53, 05/02/2020
13:18, 05/02/2020
10:17, 05/02/2020
07:59, 05/02/2020
Hay khi các chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về khả năng nCoV xuất phát từ dơi hoặc rắn tại chợ Hoa Nam (Vũ Hán), nhiều bình luận của cư dân mạng trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter lập tức lan truyền thông tin cho rằng món súp dơi là nguồn gốc gây ra dịch bệnh và mang cho rằng "dân gốc Á ăn dơi, chuột và gọi đó là đặc sản Trung Quốc, nên cũng không có gì ngạc nhiên khi vi rút chết người xuất hiện”.
Thái độ kỳ thị cũng xuất hiện ở những quốc gia khác có cộng đồng người Trung Quốc sinh sống. Tại Hàn Quốc và Nhật bản, một số cửa hàng đã treo biển “không tiếp người Trung Quốc”. Trên YouTube, các blogger Trung Quốc nhận được những bình luận miệt thị vì họ trải nghiệm những món ăn được cho là kỳ quái.
Có thể thấy, bị lăng mạ, sỉ nhục là những cảm xúc chung của các nạn nhân có gốc Á hoặc Trung Quốc khi dịch cúm Corona lây lan sang diện rộng, đặc biệt là tại các quốc gia châu Âu, Mỹ.
Như chuyên gia Monica Schoch-Spana, nhà nhân chủng học y tế và là học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết, khi có những dịch bệnh bùng phát, người có quốc tịch, dân tộc hoặc tôn giáo khác dễ bị buộc tội lây lan vi trùng mà không cần quan tâm đến các thông tin khoa học.
Đồng thời, sự ra đời và bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội cũng là một trong những lý do thổi bùng sự phân biệt khi những thông tin sai lệch được lan truyền rộng rãi mà không có sự kiểm soát đã tạo ra hiệu ứng "tiếng vang" giữa những người chia sẻ các thông tin không chính xác và phân biệt với những người có thành kiến về chủng tộc, làm những định kiến cùng nỗi sợ hãi được nhân lên và trở nên trầm trọng hơn. Dường như, mọi người cần một nơi để đổ lỗi khi có một dịch bệnh bùng phát!?
Đây không phải là lần đầu tiên phương tiện truyền thông xã hội góp phần lan truyền những nội dung bài xích. Trong đợt bùng phát cúm lợn năm 2009, người Mexico và nhiều người dân khu vực châu Mỹ Latinh đã chịu sự phân biệt.
Tương tự, đợt dịch Ebola vào năm 2014, người dân châu Phi cũng đã hứng chịu sự kỳ thị của nhiều người trên thế giới. Thậm chí, đầu những năm 80, người Haiti cũng bị đổ lỗi khi HIV/AIDS lan rộng. Tuy nhiên, khi bùng phát các đại dịch lớn trên quá khứ, các nền tảng mạng xã hội chưa được phát triển mạnh mẽ, dẫn đến việc thông tin được kiểm soát tốt hơn và các quan điểm phân biệt không quá trở nên phổ biến.
Do đó, hậu quả của sự phân biệt chủng tộc này sẽ khiến những người dễ mắc bệnh cảm thấy tự ti và khi có những triệu chứng nhiễm bệnh, họ không dám đến những cơ sở y tế hoặc bệnh viện. Điều này dẫn đến việc cản trở tiến hành các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, khiến mọi việc trở nên khó kiểm soát hơn.
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các tổ chức y tế, cộng đồng tại nhiều quốc gia đã nhiều lần kêu gọi chống phân biệt chủng tộc, rập khuôn khi dịch cúm mới xuất hiện.
"Không nên để nỗi sợ hãi hay hoảng loạn chi phối hành động. Chúng ta không nên cho rằng vì ai đó là người gốc Á mà họ có virus Corona trong người", ông Richard Messonnier, giám đốc Trung tâm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Time.
Sự đề phòng là điều dễ hiểu nhưng việc kỳ thị người gốc châu Á, lôi sự khác biệt văn hóa ẩm thực và cả những vấn đề chính trị để nói họ đáng bị như vậy là điều cần phải loại bỏ. Những người đã mắc bệnh nên được xem là một nạn nhân cần được cứu chữa, không phải là một mối đe dọa với xã hội.
Các phương tiện truyền thông xã hội nên là công cụ giúp mọi người chia sẻ kinh nghiệm của họ và nâng cao nhận thức về những gì đang xảy ra, cũng như góp phần quan trọng trong việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc.