Tính đến ngày 20/8/2019, ước tính vốn FDI thực hiện đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,74 tỷ USD, chiếm 69,6%, kinh doanh bất động sản 2,31 tỷ USD, chiếm 10,2%, bán buôn bán lẻ 1,19 tỷ USD, chiếm 5,2% vốn đầu tư đăng ký.
Nhiều công ty nước ngoài đang có xu hướng dời nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam để tiết kiệm chi phí sản xuất. Tập đoàn Samsung Electronics đã công bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc vào cuối năm 2018, chuyển sản xuất sang Việt Nam, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ, đến giữa năm 2019 đã có hơn 200 nhà cung cấp, trong đó có 29 là vender cấp 1 cho Samsung, nâng tỷ lệ nội hóa từ 34% năm 2014 lên 57% tổng giá trị sản phẩm năm 2018.
Tháng 3/2019, Tập đoàn LG cũng đã dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang nhà máy tại Hải Phòng, tăng 83%, công suất sản xuất Việt Nam đạt 11 triệu thành phẩm từ nửa cuối năm 2019.
Với sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vậy, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng cần có sự chuẩn bị để tranh thủ cơ hội đón đầu làn sóng FDI. Vấn đề quan trọng là chất lượng và hiệu quả thu hút FDI như trình độ công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, lao động qua đào tạo là những vấn đề hiện đã có phương án thực hiện, có nhiều mô hình thành công, nhất là doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam liên kết theo chuỗi giá trị. Để bảo đảm các mục tiêu chất lượng được thực hiện nhanh thì cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư theo hướng gắn với kết quả thực hiện cam kết chứ không chỉ dựa vào quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Các cơ quan nhà nước phải hướng dẫn, theo giõi, giảm sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI để phát hiện các tình huống vi phạm pháp luật, chỉnh đốn và xử lý kịp thời nhằm bảo đảm đúng cam kết của nhà đầu tư.
Nước ta đã và đang thực hiện các FTA kiểu mới như CPTPP, EVFTA, tạo thuận lợi cho không chỉ gia tăng thương mại quốc tế, mà còn cả đầu tư quốc tế. Chính phủ đòi hỏi các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải đẩy nhanh hơn cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, tinh gọn, nâng cao hiệu năng của bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế và nâng cao tính chuyên nghiệp của công chức viên chức, thực hiện chính phủ điện tử, giảm thiểu thời gian và chi phí để gia tăng tốc độ, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng.
THU HOÀI ghi