Chủ động và tận dụng sự nới lỏng của các quốc gia làm nền tảng, xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19, chính là cơ hội tốt nhất và hơn bao giờ hết cho nền kinh tế của Việt Nam.
Tận dụng sự nới lỏng… để phát huy thế mạnh
Theo PGS. TS Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, chúng ta phải khẳng định là Việt Nam có thế mạnh và không thua bất cứ một quốc gia nào trên thế giới về lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến chất lượng và trữ lượng mà ngành nông sản đạt được trong thời gian qua như: gạo, cá tra, rau củ quả…
Kết quả mà ngành nông nghiệp chúng ta đạt được là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vươn ra thế giới, có vị thế trên thường trường quốc tế mà không phải quốc gia nào cũng có được thành quả này.
Và với những lợi thế trên, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng sự nới lỏng của các quốc gia sau đại dịch làm nền tảng, xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cho Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Cũng theo PGS.TS Dương Hoa Xô, trên thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19, thì Việt Nam cũng nên khẩn trương xây dựng kế hoạch dựa trên cơ sở dịch bệnh lắng xuống và kết thúc. Bởi đây chính là cơ hội tốt nhất và hơn bao giờ hết cho nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây kịch bản phải thực tế và có trọng tâm để xác định bài toán chúng ta cần giải là gì? Các giải pháp cần được cụ thể hóa để biến nguy thành cơ, đặc biệt là những kết quả đạt được về sự nỗ lực trong công tác đẩy lùi dịch bệnh COVID -19 trong thời gian vừa qua. Và đây chính là “kim chỉ nam” cho các biện pháp phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng dịch COVID-19.
Dẫn chứng về sự nới lỏng của các quốc gia, đặc biệt là khối EU, PGS.TS Dương Hoa Xô, nhận định: Hiện châu Âu đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19 khiến các nước phải áp dụng biện pháp phong tỏa, ngừng hầu hết các hoạt động đi lại, đóng cửa các hoạt động kinh doanh và cơ sở giáo dục. Và trước bối cảnh đó, hiện nay một số nước EU bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, hiện liên minh vẫn chia rẽ về cách thức hỗ trợ phục hồi kinh tế. Do đó, Việt Nam hãy đón đầu cơ hội này để sẵn sàng cho sự phục hồi của các quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam sang các nước, đặc biệt là những mặt hàng nông sản như: gạo, cá, rau củ quả, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ đối với mặt hàng may mặc vốn cũng là thế mạnh của Việt Nam – PGS.TS Dương Hoa Xô nói.
Kết hợp các dự án đầu tư công
Theo PGS .TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nhận định: Dịch bệnh COVID-19 đang được chúng ta đảy lùi một cách tích cực và chắc chắn sẽ kết thúc. Và kết quả mà chúng ta đạt được là Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch, nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là dịp người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng, Chính phủ trong công cuộc nhằm cả hai mục tiêu: “Chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống. Và đây chính là điều tạo niềm tin về sự phục hồi kinh tế của đất nước sau dịch bệnh”.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực bước đầu từ việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là sau nhiều năm phải đối mặt với tình trạng đầu tư công giải ngân chậm; xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế và phát huy trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế... làm phấn chấn thêm niềm tin đầu tư ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Do đó, kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cũng cần phải đi trước một bước để đón đầu trong lúc này là rất cần thiết. Trong đó, cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công về hạ tầng giao thông như: Cao tốc Bắc Nam, sân bay…
Đặc biệt, Dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng tại tỉnh Đồng Nai, nhằm phát triển ngành vận tải hàng không Việt Nam, giúp tăng cạnh tranh quốc tế, tăng kết nối Việt Nam với thế giới, tạo đà phát triển toàn diện khu vực Nam Bộ và cả nước nói chung.
Cũng theo PGS .TS Trần Chủng, Dự án sân bay Long Thành được mong chờ sẽ là cú hích cho Đồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được quy hoạch và định hướng theo hình hài một “thành phố sân bay” đầu tiên của Việt Nam. Một mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông… Quy hoạch Sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của việc này thì hệ thống giao thông kết nối cần được đồng bộ hóa và hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 02/05/2020
06:01, 02/05/2020
05:45, 02/05/2020
05:30, 02/05/2020
05:00, 02/05/2020
"Cụ thể, việc triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông trục chính kết nối với sân bay Long Thành. Vì vậy, để đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ khi dự án sân bay Long Thành đi vào khai thác, thì Chính phủ nên xem xét đầu tư mở rộng cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Song song đó, Chính phủ cũng nên chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (dự án thành phần 2 - đoạn từ Đồng Nai đến Bảo Lộc, Lâm Đồng) nhằm thúc đẩy việc kết nối các tỉnh Tây Nguyên với sân bay Long Thành" - PGS .TS Trần Chủng kiến nghị.