Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát các hoạt động cho vay, không để hiện tượng ngân hàng chỉ cho vay với một nhóm khách hàng mà họ ưu tiên, gây mất cân đối trên thị trường.
>>WiGroup: Tỷ lệ ngân hàng dễ tổn thương bởi nợ xấu tăng lên
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Báo cáo của CTCK Bảo Việt cho thấy, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023 và có dấu hiệu ngày càng giảm nhiệt tại một số ngân hàng với mức độ giảm dao động quanh mức 0,5%.
Hiện lãi suất huy động các ngân hàng phổ biến ở mức 8-9,5% với tiền gửi thông thường. Một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay. Theo đó, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ kinh doanh từ 3-4%.
Đơn cử như tại TPBank, lãi suất cơ sở đã được điều chỉnh giảm từ mức 10,4-11,9%/năm xuống còn 10,25-11,75%/năm. Ngân hàng SHB cũng đã điều chỉnh lãi suất từ ngày 14/2, với mức lãi suất cơ sở cao nhất được hạ từ 12,7% xuống còn 12,5%; mức thấp nhất được giảm từ 11,2% xuống còn 10,7%.
Hay tại SeABank, mặc dù lãi suất cơ sở vẫn là 12%, áp dụng đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ từ ngày 09/07/2020. Tuy lãi suất cơ sở chưa thay đổi, song ngân hàng vừa tung ra gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm đối với một loạt các ngành nghề sản xuất kinh doanh...
Tuy nhiên, mức giảm của lãi vay vẫn được đánh giá là còn ít, chưa như kỳ vọng của thị trường, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp sản xuất vẫn băn khoăn lo khó tiếp cận các gói vay lãi suất thấp.
Một số doanh nghiệp bày tỏ, có những ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay nhưng chủ yếu chỉ dành cho số ít khách hàng đặc biệt, còn những công ty nhỏ và vừa thì vẫn khó tiếp cận với mức lãi suất thấp. Bởi các yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận,… thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất khó để đảm bảo các điều kiện mà ngân hàng đưa ra.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay, đầu năm nay, các doanh nghiệp rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây nên hạn mức cho vay giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều quy định cho vay siết chặt hơn trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30-40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.
“Vì vậy, các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung, không chuyển doanh nghiệp vào nhóm nợ xấu...”, ông Việt đề nghị.
>>Còn nhiều sức ép tác động đến lãi suất
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, nếu dựa vào lãi suất huy động là 10% thì thường các ngân hàng có biên độ lợi nhuận khoảng 3% để bù trừ rủi ro, khi đó lãi suất cho vay sẽ khoảng 13% là hợp lý. Nhưng hiện nay, theo phản ánh có những ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất tới 14 - 16%, tùy theo kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao, tùy loại khách hàng có tình hình tài chính ổn định thì lại suất thấp hơn và ngược lại.
Với lãi suất cho vay từ 14 - 16%, có lẽ các doanh nghiệp sẽ chết yểu, vì các doanh nghiệp còn phải có một biên độ lợi nhuận trước thuế và trước khi trả nợ cho ngân hàng đâu đó khoảng 20%. Vấn đề là có bao nhiêu doanh nghiệp đang có biên độ này? Do đó, nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì càng làm càng phải vay, càng làm càng thua lỗ dẫn đến phá sản.
“Trong nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp như vậy sẽ đi vào suy thoái lớn, mặc dù chúng ta chưa rơi vào khủng hoảng đó, nhưng nếu không có biện pháp cải tổ, hạ lãi suất thì nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lớn trong năm nay là rất có thể. Câu chuyện lãi suất cao này không chỉ ở các doanh nghiệp mà còn cả với những người vay tiền mua nhà, lãi suất cũng đã bị đẩy lên rất cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Rủi ro của họ có thể là vỡ nợ, dẫn đến tình trạng ngân hàng phải thu hồi tài sản thế chấp là rất có khả năng”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia lý giải, thời gian qua các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động là bởi tính cạnh tranh cao, người dân sẽ đổ tiền vào các ngân hàng có lãi suất cao hơn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên có biện pháp để tất cả các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, tạo ra sự công bằng. Đồng thời bơm vốn cho các ngân hàng để họ tăng tính thanh khoản, tránh mất khả năng chi trả.
Ngoài ra, các ngân hàng có nợ xấu nên phải huy động vốn mới để trả nợ cũ. Không ít ngân hàng cho vay những món nợ có rủi ro cao, khiến họ phải áp lãi suất cao bù đắp lại và sẵn sàng trả lãi suất huy động cao để tiếp tục có tiền.
“Tôi để xuất Ngân hàng Nhà nước cần giám sát tất cả các hoạt động cho vay với các bên liên quan, chấm dứt tình trạng lợi ích nhóm trong ngân hàng, không để hiện tượng ngân hàng chỉ cho vay với một nhóm đối tượng khách hàng mà họ ưu tiên, gây mất cân đối trên thị trường. Vấn đề này vẫn như một đám mây mù bao phủ hệ thống ngân hàng chưa giải quyết được, nếu nhìn từ hệ thống ngân hàng của phương Tây sẽ thấy họ luôn luôn đảm bảo sự minh bạch. Khi hệ thống ngân hàng minh bạch, sạch sẽ hơn thì các hệ thống lưu chuyển tiền tệ cũng hợp lý và thông suốt hơn”.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 21/02/2023
12:02, 19/02/2023
10:55, 17/02/2023
10:18, 17/02/2023