Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có vai trò bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, doanh nghiệp... Vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
>>Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
Ngày 27/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trước đó, thảo luận tại Tổ về nội dung này các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tình hình mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân ( Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk), việc xây dựng và ban hành dự án luật dựa trên đầy đủ các căn cứ về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn đặt ra. “Việc xây dựng luật lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.
Nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết việc bổ sung phạm vi điều chỉnh, quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những nội dung như dự thảo là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. “Thực tiễn cho thấy hoạt động phòng cháy, chữa cháy luôn gắn liền với hoạt động cứu nạn, cứu hộ, vì vậy dự thảo dành hẳn 1 chương gồm 7 điều quy định về cứu nạn, cứu hộ”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ.
Cho rằng, quy định tại dự thảo đã có sự phân định rõ sự về phạm vi hoạt động cứu hộ, cứu nạn, đại biểu Nguyễn Thị Xuân lưu ý, hoàn toàn không có sự trùng lắp, chồng chéo với phạm vi điều chỉnh tại dự án Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng thủ dân sự.
Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với việc bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy và để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trọng việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và các thiết bị điện liên quan đến cháy, nổ.
Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho rằng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có vai trò rất là quan trọng, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp… Vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Theo đại biểu Lê Minh Nam, vấn đề quan trọng là phòng ngừa, do đó cần tập trung đánh giá vào vấn đề liên quan đến phòng ngừa rủi ro. Trong đó, cần phân tích rõ khu vực nào, đối tượng nào có nguy cơ cao, dễ có nguy cơ xảy ra cháy, nổ hay các sự cố dẫn đến phải cứu nạn, cứu hộ. Từ đó, chủ động đưa ra các quy định, giải pháp để phòng ngừa từ sớm từ xa.
“Ngoài ra, cũng cần tổng kết, xem xét lại thời gian vừa qua nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ cháy nổ, sự cố. Từ đó, đánh giá tính chất, nếu là những nội dung cần sự quan tâm, nên đưa vào điều chỉnh, vừa phòng ngừa vừa bố trí những điều kiện hạn chế rủi ro…”, đại biểu tỉnh Hậu Giang lưu ý.
>>Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch
>>Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm
Quan tâm tới quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các tổ chức thành viên của Mặt trận (Điều 8), đại biểu Trần Thị Vân (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, tại Điều 8 có quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vận động, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn".
Đại biểu cho rằng “giải quyết hậu quả” là động từ xử lý một vấn đề đang khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đặt cụm từ “giải quyết hậu quả” vào trường hợp hỗ trợ này là không phù hợp. MTTQ chỉ có thể hỗ trợ khắc phục hậu quả một phần nào đó của vụ cháy, sự cố, tai nạn chứ không thể giải quyết được. Vì vậy, đề nghị sửa cụm từ “giải quyết” thành “khắc phục”. Đồng thời, bổ sung thêm trách nhiệm “xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Đối với quy định về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17) theo đại biểu Trần Thị Vân, Việt Nam là đất nước có hoạt động tín ngưỡng đa dạng, vì vậy việc đốt vàng mã tại nhà ở là việc không thể tránh khỏi, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Hiện nay, pháp luật chỉ có quy định cấm đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư còn các loại hình nhà ở khác thì chưa có quy định cụ thể.
Vì vậy, nhằm nâng cao công tác phòng cháy đối với nhà ở đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “nơi đốt vàng mã” vào điểm a, khoản 1 Điều 17 để phù hợp hơn. Sau khi bổ sung thành: “Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng, nơi đốt vàng mã phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn”.
Có thể bạn quan tâm
16:15, 08/06/2024
02:30, 30/05/2024
16:02, 29/05/2024
09:40, 29/05/2024