Giá điện tăng, vài con số kinh tế vĩ mô "nhúc nhích" theo, còn khó khăn của doanh nghiệp, người dân có thể như con lừa vắt thêm cái áo!
>>Chuyện “con lãi, mẹ lỗ” và đề xuất tăng giá điện của EVN
Trước tiên, hãy nhìn vào bức tranh tài chính u ám của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cả năm 2022 và quý I/2023 lỗ khoảng 44.600 tỷ đồng! Với công chúng không bao giờ hiểu được vì sao một Tập đoàn “con cưng”, được bao cấp từ vốn, chính sách đến khách hàng như EVN lại làm ăn kém hiệu quả.
Ngày 4/5, EVN sẽ tăng giá điện lên 3%, mức tăng từ 50 đồng/KWh - 88 đồng/KWh tùy theo nhóm khách hàng, mức độ tiêu thụ càng nhiều càng chịu áp lực lớn về giá. Đây cũng là một nghịch lý phi thị trường, hiếm thấy có mặt hàng nào trên thế giới mà càng mua nhiều càng chịu giá cao!
Người ta tính toán, với mức tăng giá bình quân 3%, phần còn lại của năm 2023 EVN thu thêm 8.000 tỷ đồng - không nhằm nhò gì so với các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh như “núi”. Tóm lại, với người dân, sự tình tài chính của EVN là điều không dễ hiểu!
Cứ cho là lần đầu tiên trong 4 năm EVN mới tăng giá điện, mức vài đến vài chục nghìn đồng tăng thêm mỗi tháng không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng - như một vài chuyên gia đăng đàn trấn an dư luận.
Có điều, hầu hết dân chúng không có thời gian để tìm hiểu “chỉ số giá tiêu dùng” là gì? Họ chỉ là đối tượng trực tiếp phải móc ví cho từng chi phí nhỏ nhặt nhất, và cảm nhận túi tiền vơi nhanh hơn, tiền không dễ kiếm như năm ngoái, năm kia.
Thôi thì phải nói như các chuyên gia kinh tế, tài chính: Ngân hàng không bơm tiềm ra thị trường vì sợ [tiền mất giá] lạm phát; sợ cò đất hoành hành; sợ đầu cơ thao túng,… cuối cùng công ăn việc làm, thu nhập cũng bị cuốn phăng theo nỗi sợ!
Mọi thứ có thể nói chung nhất trong hai từ “khó khăn”. Trên mạng xã hội, người ta mách nước cho nhau rằng: Năm 2023 đừng nên xây nhà, mua sắm đắt tiền. Thời điểm này tiền mặt là “vua”. Hãy để dành chờ cơ hội thu gom tài tài sản mất giá,…
Người ta còn tính toán, hộ kinh doanh và doanh nghiệp mới là đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi gia điện tăng. Đúng! Nhưng không đủ, vì có thể các chuyên gia lảng tránh đoạn cuối của vấn đề, đó là logic vận hành tài chính doanh nghiệp.
Trừ khi doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, còn lại nếu còn cung cấp dịch vụ, sản phẩm ra thị trường thì dòng tiền còn hoạt động. Có nghĩa là, chi phí giá điện cuối cùng được tính vào giá thành bán sản phẩm - gọi là “chi phí đẩy”. Người tiêu thụ cuối cùng phải chịu.
Vì điện - năng lượng cốt tử - là đầu vào của đầu vào mọi quá trình sản xuất, kinh doanh. Giá điện không khác gì lãi suất vốn vay, trực tiếp nuôi dưỡng lạm phát, cắt cụt động lực tiến lên. Vậy, vấn đề nằm ở đâu?
Trên thế giới rất nhiều quốc gia tiên tiến…thuê người dân sử dụng điện vì sản lượng sản xuất ra quá lớn; hoặc có những quốc gia thực hiện lộ trình giảm giá điện về mức thấp nhất.
Khi châu Âu đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng sưởi ấm cho mùa đông 2023 do chiến sự Nga - Ukraine, hàng loạt chính phủ phát tiền trợ giá; đôn đáo tìm nguồn mua dự trữ thay thế.
Nếu trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng với nhiều nhà sản xuất và cung cấp điện khác nhau, liệu có công ty nào đó dám liều mình đơn phương tăng giá? Rất tiếc, thị trường điện Việt Nam đã độc quyền, khách hàng không có sự chọn lựa nào khác!
Có thể bạn quan tâm