Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng phối hợp nghiên cứu phản ánh việc thêm tầng lánh nạn tại các dự án chung cư có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD (quy chuẩn 06:2020) về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/7 áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng với nhiều điểm mới là có thêm quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ.
Tầng lánh nạn được hiểu là tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao từ 100 m trở lên. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.
Điểm mới này nhận được sự đồng tình của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) song kèm theo cảnh báo tăng thêm tầng lánh nạn đồng thời cũng khiến giá chung cư đội lên so với trước đây.
Trong bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan về vấn đề này, HoREA xác nhận cần thiết phải có các quy định chi tiết và cụ thể hơn về tầng lánh nạn đối với nhà có chiều cao từ 100-150 m trở lên, tương ứng với chung cư 30-50 tầng trở lên.
Cụ thể, nhà 30-40 tầng phải bố trí một tầng lánh nạn và lũy tiến nhà 41-50 tầng cần phải bố trí 2 tầng lánh nạn. Các tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng và không được phép bố trí căn hộ, văn phòng, dịch vụ hay các hoạt động thương mại trên khu vực này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thừa nhận, việc tầng lánh nạn không được bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại chắc chắn khiến chủ đầu tư mất hẳn nguồn doanh thu của một vài tầng trong dự án.
Điều này dẫn đến việc làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, quy mô dân số của dự án. Từ đó, dẫn đến việc làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác. Cuối cùng, người tiêu dùng (người mua nhà) phải gánh chịu việc tăng giá này.
Ông Châu cũng quan ngại, trong bối cảnh giá nhà liên tục tăng cao thời gian qua, nếu tạo thêm áp lực làm tăng chi phí đầu tư cho các dự án nhà ở cao tầng sẽ khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.
Do vậy, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, HoREA nhận thấy không nên tính diện tích sàn “tầng lánh nạn” vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính “hệ số sử dụng đất” và nên cộng thêm chiều cao “tầng lánh nạn” vào chiều cao tối đa của công trình thì hợp lý hơn.
Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 2.9.4 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD), bổ sung quy định: “Nhà có 30-40 tầng bố trí 01 tầng lánh nạn; Nhà có 41-50 tầng bố trí 02 tầng lánh nạn. Không tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng khi tính hệ số sử dụng đất của dự án. Không tính chiều cao của tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình”.
Kỳ II: Kinh nghiệm thế giới
Có thể bạn quan tâm