“Chúng tôi chưa hết bàng hoàng trước quyết định tăng phí lên đến 750% của TP Hải Phòng”, ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Cty CP Du thuyền PELICAN Hạ Long- Cát Bà, chủ tịch Hội tàu du lịch Cát Bà chia sẻ.
Đại diện Hội tàu du lịch Cát Bà cho biết, trước khi Nghị quyết số 45 của HĐND TP Hải Phòng đưa ra thì hầu như các hợp đồng năm 2019 đã được các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch ký kết với đối tác theo giá dựa trên mức phí của năm 2018.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Vũ Thanh Liêm - Giám đốc công ty CP Du thuyền PELICAN Hạ Long- Cát Bà, Chủ tịch Hội tàu du lịch Cát Bà.
- Quan điểm của ông về quyết định tăng phí tham quan vịnh của Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng?
Về cơ bản, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đồng ý với chủ trương tăng phí tham quan của HĐND thành phố. Tuy nhiên, việc tăng phí quá vội vàng, không có một lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch.
Thành phố Hải Phòng vừa mới thông báo ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau đã yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp phí. Việc thay đổi phí, lệ phí này sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch vi phạm hợp đồng và sẽ phải đền bù cho đối tác do vi phạm hợp đồng kinh doanh. Các đối tác này không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Việc thông báo thay đổi mức phí, lệ phí thậm chí sẽ còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Hải Phòng nên tham khảo Quảng Ninh về lộ trình tăng phí và thông báo về việc tăng phí đối với các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh ở nước ngoài để khách du lịch và các doanh nghiệp lữ hành nắm được.
Chúng tôi đều là những doanh nghiệp mới đầu tư rất nhiều kinh phí để đóng mới tàu thuyền, phương tiện kinh doanh chất lượng cao, mất nhiều khoản vận hành tàu lưu trú và chưa có nhiều khách. Chúng tôi đang tập trung nhiều chi phí, nguồn lực vào việc quảng bá, phát triển Vịnh Lan Hạ và quần đảo Cát Bà nhằm xây dựng mô hình du lịch bền vững, đảm bảo uy tín, chất lượng của du lịch Hải Phòng và Việt Nam.
- Vậy các đơn vị kinh doanh tàu du lịch Hải Phòng đã có những kiến nghị gì với thành phố, thưa ông?
Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị thành phố giãn lộ trình thực hiện việc tăng phí. Có thể năm trước tăng mức phí lên 50%, năm sau 70%, năm tiếp 100%. Chúng tôi luôn ý thức được rằng việc nộp lệ phí và đóng phí là trách nhiệm của doanh nghiệp để tái đầu tư cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, trước khi thành phố quyết định thu như vậy, cần phải đảm bảo cơ sở hạ tầng cho các tàu du lịch hoạt động thuận lợi. Ví dụ như vùng neo đậu Bến Gót của Cát Hải, có gần 20 con tàu ngủ đêm rất lớn đang neo đậu ở đó hiện đang trong tình trạng neo đậu bất hợp pháp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Khi có đoàn kiểm tra, cảng vụ Hải Phòng đã yêu cầu những con tàu này phải di chuyển ra những vị trí khác, giáp Quảng Ninh. Khi tàu ra đến nơi thì Quảng Ninh lại yêu cầu họ phải di chuyển trở lại. Chúng tôi cứ bị đẩy đi đẩy lại như vậy, rất khổ cho doanh nghiệp và rất khó để xây dựng một mô hình du lịch chuyên nghiệp, uy tín cho Hải Phòng. Theo tôi, các cấp chính quyền Hải Phòng nên đi khảo sát, nghiên cứu, tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.
Hay như tại khu vực Đảo Khỉ ở Cát Bà, mức giá vé nâng từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng, khi vào đảo thì tăng thêm 50.000 nữa. Chúng tôi cũng đồng ý tăng phí nhưng nên chăng trước khi tăng, thành phố hãy làm cái cầu tầu cho khách ra vào được an toàn. Có những ngày nước cạn, tàu không thể đáp ứng được phải dùng những thuyền nan chở khách như vậy rất nguy hiểm. Thậm chí có những hôm phải bế từng khách một xuống, khiến hình ảnh du lịch Cát Bà trở nên rất nhếch nhác.
Thành phố vừa quy định 6 điểm lưu trú ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ, nhưng cần đầu tư thêm điểm neo đậu và thành lập một tổ an ninh để xử lý các vấn đề phát sinh giúp khách lưu trú an tâm hơn.
Thủ tục giấy tờ liên quan đến một con tàu cũng gây nhiều phiền toái bức xúc cho doanh nghiệp vì quá chậm chạp và phức tạp. Nếu theo đúng quy trình, phải mất một tháng trời doanh nghiệp mới có thể lo đầy đủ được các loại giấy tờ. Muốn con tàu đi vào hoạt động được phải trình đủ 18 loại giấy tờ cho cảng thủy nội địa, sau đó phải trình tiếp 15 loại giấy tờ khác cho UBND huyện Cát Hải.
- Ông có so sánh gì giữa giá vé của Hải Phòng sau khi tăng lên và giá vé của Quảng Ninh hiện tại?
Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, có thương hiệu từ lâu, còn Cát Bà mới chỉ là Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia. Quảng Ninh họ tăng giá đều có lộ trình cụ thể. Để lên được giá vé 500,000 như hiện nay, họ đã trải qua nhiều lần tăng giá vé suốt 15 năm qua. Hạ Long có nhiều điểm tham quan du lịch mà phí đã nằm trong giá vé, như lên bãi Ti tốp, hang Sửng Sốt, hang Luồn, hang Sáng Tối.
Giá vé của Quảng Ninh cao xuất phát từ cơ sở hạ tầng được đầu tư rất bài bản. Bến tầu Tuần Châu rất đẹp, tầu có thể cập vào được, trong khi đó cát Bà không có bến neo đậu. Cung đường hoạt động từ Tuần Châu ra đến điểm neo đậu ngủ đêm chỉ bằng 1/3 thời gian chạy từ Bến Gót của Cát Bà ra vịnh Lan Hạ, đấy cũng là chi phí doanh nghiệp phải chịu. Ở Quảng Ninh, chỉ cần đóng con tàu 550 mã lực nhưng Hải Phòng phải đóng 1100 mã lực thì mới chạy được cung đường như vậy, chi phí sản xuất tiêu hao nhiên liệu rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
11:02, 27/11/2018
07:15, 13/11/2018
14:56, 30/05/2018
09:30, 31/05/2018