Trong một cuộc chơi nâng tầm toàn cầu, các doanh nghiệp ngành dừa không chỉ phải tìm hiểu thị trường, khoa học, chế biến sâu mà còn phải đề cao ESG trong chuỗi giá trị.
Đây là quan điểm của bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) chia sẻ tại hội thảo Coconext 2024 với chủ đề nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam do Betrimex phối hợp với Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức tại Bến Tre mới đây.
Ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Từ con số kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD năm 2010, ngành dừa đã đạt 1,64 tỷ USD vào năm 2023. Với tổng diện tích trồng dừa cả nước hơn 200.000ha, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế.
Tại Việt Nam, cây dừa đã được công nhận và quy hoạch là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án phát triển cây dừa đến năm 2030 với các mục tiêu rõ ràng.
Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, có thể nói ngành dừa Việt Nam đến nay đã tham gia và "sân chơi" toàn cầu, tuy nhiên với giá trị quý của cây dừa, của một ngành có tiềm năng nâng giá trị kim ngạch cao hơn nữa, các doanh nghiệp ngành dừa không chỉ phải tìm hiểu thị trường, khoa học, chế biến sâu mà còn phải đề cao ESG trong chuỗi giá trị của sản phẩm chế biến dừa, tương tự chuỗi giá trị của các sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế của đại diện các cơ quan bộ ngành, doanh nghiệp và đặc biệt các doanh nghiệp, chuyên gia đến từ các quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành dừa như Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ, bà My cho biết Coconext là hội thảo thường niên từ sáng kiến của Betrimex. Đây không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ và trao đổi thông tin giữa những chuyên gia đầu ngành khắp thế giới, CocoNext mang sứ mệnh khởi đầu cho những bước chuyển đột phá, định hình lại bối cảnh và mở ra kỷ nguyên mới cho ngành dừa. Đây cũng là cam kết chung của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành dừa.
Đặc biệt, bà My nhấn mạnh hiện nay từ phía Betrimex, nhà sản xuất dừa lớn thứ 6 thế giới, mặc dù ngành dừa có nhiều tiềm năng nhưng công nghệ chế biến hiện chưa có tính hệ thống hóa, vẫn còn đơn lẻ. Do đó từ góc độ doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường, Betrimex mong muốn giới thiệu các công nghệ đó để xây dựng làng nghề chế biến có quy mô lớn, mang tính công nghiệp vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường, khai thác được tiềm năng giá trị kinh tế tương xứng của cây dừa Việt Nam, tạo giá trị bền vững cho ngành.
"Việc tích hợp công nghệ tiên tiến vào ngành dừa không chỉ là sự lựa chọn, mà sẽ là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững và nâng cao chuỗi giá trị. Theo đó, các tiến bộ công nghệ hứa hẹn đưa ngành dừa lên một tầm cao mới, từ kỹ thuật đóng gói sáng tạo, những phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi trong chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, khai thác năng lượng bền vững, cho đến phát triển các sản phẩm mới từ cây dừa", Chủ tịch Betrimex chia sẻ.
Bà My kỳ vọng CocoNext sẽ thúc đẩy định vị Việt Nam là nhà cung cấp và trung tâm đổi mới hàng đầu của ngành dừa toàn cầu. Đồng thời, bà cũng kỳ vọng đưa Bến Tre trở thành đầu tàu nghiên cứu và phát triển ngành dừa trên thế giới.
Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, ngành dừa có chuỗi giá trị rất lớn nhưng hiện chưa được khai thác hết. Theo bà Thanh, ngành dừa mới được phát triển mạnh mẽ chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng đã được các doanh nghiệp đầu ngành nhìn nhận đúng giá trị và đầu tư máy móc công nghệ thiết bị tiên tiến, nhờ đó đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa đạt kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên bà Thanh cũng nhấn mạnh, trong khi ngành dừa có thể thúc đẩy hơn nữa chế biến sâu, thì có một thách thức rất lớn trước mắt, đó là sự "chảy máu" nguyên liệu qua thị trường khác như Thái Lan, Trung Quốc... Nếu Chính phủ không có cơ chế, hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý, chẳng hạn Philippines đã áp dụng không xuất khẩu nguyên liệu dừa thô ra nước ngoài, hay Indonesia từ 1/1/2025 sẽ đánh thuế xuất khẩu nguyên liệu thô lên tới 80%... , thì đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng với các doanh nghiệp chế biến dừa trong nước.
Để đảm bảo nguồn cung dừa và chất lượng nguyên liệu thô ngay từ ban đầu cho chế biến sâu, cho chuỗi giá trị lớn hơn và theo diện rộng hơn, theo bà Đặng Huỳnh Ức My, các chính sách hỗ trợ cung ứng cho nông dân về các thông tin về kiến thức nông học, chăm sóc vườn trồng, giúp nông dân nhân giống, bảo tồn giống, đưa giống dừa Bến Tre giới thiệu ra nhiều thị trường hiện đang được Betrimex triển khai... là quan trọng. Đây là một số trong chuỗi các giải pháp để doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân và đóng góp phát triển bền vững cho ngành.
Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cũng cho hay hiện Hiệp hội đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc làm sao để có các chương trình khuyến nông, riêng với ngành dừa cần cơ chế khuyến khích giúp nông dân trồng cây thuần chủng, đảm bảo nguyên liệu ổn định, vừa bảo vệ vừa phát triển vùng nguyên liệu chế biến dừa.