Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Đảng và Nhà nước đã sớm ban hành nhiều hành lang pháp lý về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi về thuế còn rời rạc, thiếu chi tiết dẫn đến chưa thật sự tạo tác động lan tỏa… Đây là chia sẻ Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt với DĐDN.
- Trong Kỷ nguyên công nghiệp 4.0, Việt Nam sớm xác định phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Pháp luật hiện hành đã có những chính sách gì để hỗ trợ, thúc đẩy cho các doanh nghiệp này, thưa Luật sư?
Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST), Đảng và Nhà nước đã sớm ban hành hành lang pháp lý về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp này. Hiện, khung pháp lý áp dụng cho doanh nghiệp KNST chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ “doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Các chính sách tập trung tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017,…
Theo đó, cùng với các giải pháp, hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ;… thì ưu đãi thuế được kỳ vọng là một trong những chính sách sẽ tạo ra tác động lớn, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KNST.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua cho thấy, các quy định pháp luật về ưu đãi thuế đối với đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa KNST vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Từ đó dẫn đến các chính sách ưu đãi vẫn chưa phát huy hiệu quả khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hình thành những động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh mới.
- Luật sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Cụ thể, khoản 1 Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa KNST hiện nay được áp dụng hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường. Tuy nhiên, quy định này đến nay chưa triển khai được do Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết hiện hành hiện chưa có quy định cụ thể về mức thuế suất ưu đãi mà doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung và DNNVV KNST nói riêng được hưởng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, nhà đầu tư vào DNNVV KNST được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với khoản đầu tư vào DNNVV KNST theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hiện hành không có đối tượng là khoản đầu tư vào DNNVV KNST. Do đó, chính sách ưu đãi này hiện cũng chưa được triển khai trên thực tế.
Đặc biệt, dù được xem là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của nền kinh tế, nhưng đối tượng là các DNNVV KNST được hưởng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa được quy định cụ thể. Điều này dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với đối tượng các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp KNST nói riêng.
- Vậy, để giải quyết thực tế đã nêu, Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì?
Thực tế cho thấy, những kết quả thi hành chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KNST thời gian qua phần nào đã hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp này, tuy nhiên, về mặt hiệu quả áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế do các chính sách thuế này chưa được cụ thể hóa áp dụng riêng cho doanh nghiệp KNST.
Vì vậy, quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tới đây, có thể nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế theo hướng: Cụ thể hóa các chính sách thuế áp dụng riêng cho đối tượng là các doanh nghiệp KNST; Đưa ra các tiêu chí xác định doanh nghiệp KNST khi hiện nay các tiêu chí này vẫn mang tính chất định tính và chưa có văn bản xác nhận các đối tượng này để thuận lợi trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế.
Đặc biệt, cần hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế trong việc quy định cụ thể các ưu đãi thuế được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 theo hướng: Quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cụ thể dành cho DNNVV nói chung và doanh nghiệp KNST nói riêng; Áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào doanh nghiệp KNST.
- Trân trọng cảm ơn ông!