Tăng trưởng cao nhờ cải thiện phần cung của nền kinh tế

Thy Hằng 11/04/2018 12:44

Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2018 đã vượt qua hầu hết các “kỳ vọng”, dự báo trước đó. Tuy nhiên tăng trưởng có dấu hiệu đi xuống bởi những rủi tiềm ẩn về phụ thuộc khu vực FDI, cách thức điều hành và chiến tranh thương mại thế giới...

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới".

Hội thảo

Hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới" tại Hà Nội.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng cao nhờ cải thiện phần cung của nền kinh tế

    Tăng trưởng cao nhờ cải thiện phần cung của nền kinh tế

    12:44, 11/04/2018

  • ADB dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 7,1% năm 2018

    10:50, 11/04/2018

  • Tăng trưởng kinh tế cao nhưng có bền vững?

    08:05, 06/04/2018

  • Bộ KH&ĐT nói gì về kịch bản tăng trưởng GDP đi ngược xu hướng truyền thống?

    18:37, 02/04/2018

  • Tăng trưởng GDP không quá bất ngờ

    05:34, 31/03/2018

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, cơ sở để GDP quý I/2018 tăng cao và để tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì xu hướng này trong thời gian tới là những cải thiện ở phần cung của nền kinh tế mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã đạt được trong thời gian qua.

Đây là sự khác biệt so với những giai đoạn tăng trưởng nhờ chính sách kích cầu.

Cụ thể, quý I/2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây đạt 7,38%.

Theo ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban, Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM), với mức tăng trưởng 7,38% đã vượt qua hầu hết các “kỳ vọng” dự báo trước đó.

Mức tăng trưởng 3 tháng đầu năm được cải thiện chủ yếu nhờ cán cân thương mại và có thể do nhập khẩu đầu vào từ năm trước chưa sử dụng hết, khiến cán cân thương mại được cải thiện. 

Cùng với đó, đà giảm giá đồng USD cũng tác động đến giá các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó nhập khẩu một số mặt hàng lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Một trong số những mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh là ô tô nguyên chiếc. Cụ thể, quý I/2017 giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 489 triệu USD, trong khi từ ngày 1/1- 15/3/2018 giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ đạt 89 triệu USD. 

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng đầu năm 2018 cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý I. 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

“Giải thích về tốc độ tăng trưởng GDP quý I những năm gần đây chưa thực sự tròn trịa và hợp lý. Bởi thực tế đang nhìn vào một số mặt hàng hay doanh nghiệp như Samsung, Formosa... Tuy nhiên như vậy lại không thể hiện được sự thay đổi về chất và hiệu năng của nền kinh tế, mà thực ra cái chúng ta đang cần tăng trưởng dựa vào hiệu quả năng suất lao động”, ông Cung nhấn mạnh.

Tiềm ẩn rủi ro điều hành

Tuy nhiên, theo Viện trưởng CIEM cũng đánh giá, chiến tranh thương mại và cải cách thời gian qua của Chính phủ mới đã có những thay đổi đạt kết quả nhưng thực chất được bao nhiêu? Có thay đổi được bản chất và cách thức của cả hệ thống không? Nếu đúng thì có thể tạo đà cho tăng trưởng, còn nếu không kết quả chỉ là tức thời và sẽ phục hồi lại. 

Mặc dù, đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa được cải thiện, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, và vẫn chịu tác động của những biến động kinh tế thế giới. Cùng với đó, tăng trưởng tiềm năng cũng đang có dấu hiệu đi xuống. 

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, điều hành giá hàng hoá chưa đủ thận trọng. "Đơn cử tháng 12/2017 nhìn thấy dư địa nên chúng ta đã điều tăng giá điện, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh, tạo áp lực lạm phát trong tháng 1,2 năm nay rất nhanh”, ông Dương nói đồng thời dẫn chứng, theo Tổng cục Thống kê, chi phí nguyên liệu của Việt Nam đã tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân từ điều hành giá của các nhà quản lý.

Cách thức điều hành tài hoá chưa chủ động hướng tới củng cố dư địa ứng phó với các cú sốc bất lợi. “Theo đó tương đối nhanh trong đề xuất tăng thuế BVMT xăng dầu và kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ”, ông Dương nhận định.

Cùng với đó, tư duy lại hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh CM CN 4.0 còn chậm. “Chúng ta không nhận thấy lợi ích nhỏ mà lớn nhanh còn hơn là lợi ích lớn mà không đến được. Tại sao chúng ta không nhanh lên đón nhận CPTPP thay vì ngồi nói lợi ích không lớn bằng TPP?. Đặc biệt trong bối cảnh CM 4.0, không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”, với CPTPP chúng ta cũng cần nhanh hơn”, ông Dương nhận định.

Do đó, nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng những quý cuối năm, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, làm sao để không quá phụ thuộc vào sự tăng giảm của đồng USD. “Tuy nhiên không thúc đẩy hạ lãi suất một cách hành chính, linh hoạt khi thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ”, ông Dương nói.

Cùng với đó, hài hoà yêu cầu tăng giá hàng hoá và dịch vụ, tính toán kỹ vấn đề tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2018, trách tác động lên lạm phát. “Sang năm sau, chúng tôi kiến nghị không tăng lương tối thiểu ùng, bởi nhiều năm qua lương tối thiểu tăng vượt quá lạm phát gây áp lực lớn cho doanh nghiệp”, ông Dương kiến nghị.

Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất, chất lượng lao động. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng trưởng cao nhờ cải thiện phần cung của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO