Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ khắc phục được một số điểm nghẽn thì nhiều khả năng chúng ta có thể đạt được kết quả cao hơn.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Nghị quyết đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90% và tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Bình luận về các chỉ tiêu trên, TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường thì với những chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2020 được đánh giá là khá cao. Việc đưa ra các chỉ tiêu như trên cũng phản ánh kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế trong những năm qua, nhất là năm 2019 rất khả quan, đặc biệt là công tác kiểm soát lạm phát.
TS Thiên cũng nhìn nhận sự quyết tâm của Chính phủ bởi như chúng ta biết, tính bất thường của bối cảnh quốc tế trong thời gian tới sẽ rất gay gắt, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung – đây là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam - và hơn thế, độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng ngày càng rộng, trong khi nội tại nền kinh tế nước ta vẫn tồn tại những hạn chế.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 03/10/2019
09:16, 25/09/2019
17:00, 19/09/2019
Nhìn nhận từ kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 khá chậm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua, song với việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân và nguồn lực từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, TS Thiên nhấn mạnh, nếu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công thì khả năng tăng trưởng trong năm tới đạt cao là hoàn toàn có cơ sở.
Phân tích rõ những thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải nếu nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế năm 2019 đang duy trì đà tăng trưởng tốt, nhưng nhìn về tầm nhìn 2020 và những năm tiếp theo, chúng ta chưa thể yên tâm. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới có thể sẽ chạm “ngưỡng suy thoái toàn cầu, thì với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất khó.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% không chỉ là mục tiêu khó mà là quá khó là bởi, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để kinh tế Việt Nam có thể “tăng trưởng nhanh và bền vững” trong năm 2020. Chẳng hạn vấn đề cải cách thủ tục hành chính, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, đã có những cải thiện đáng kể nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo phân tích của ĐBQH Nguyễn Như So - Đoàn ĐB tỉnh Bắc Ninh thì có một thực tế, đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực. Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ… Chủ trương coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhưng thực tế thì chưa được như điều chúng ta mong đợi.
Để giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác, theo ông Nguyễn Như So, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Phú Quốc - Đoàn ĐB TP HCM cho rằng, phải thực chất cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những quy định chồng chéo giữa các dự luật và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp, tạo lập, phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển để tăng niềm tin và tạo sự an tâm cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để trình Quốc hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chính phủ tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới; tập trung giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân… để quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000USD. Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào nhóm đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù họ bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn. Do đó, để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, cần thiết phải có những mũi nhọn đột phá như: trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khởi nghiệp sáng tạo...
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế:
Các doanh nghiệp Việt đang nhanh nhạy hơn để thích nghi với sự thay đổi của dòng chảy thương mại. Việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, các thỏa thuận thương mại sẽ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng. Ở khía cạnh tổng cầu trong nước, chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao trong những tháng qua và được dự báo sẽ tiếp tục là điểm tựa cho kinh tế trong năm 2020.Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng chậm lại do tác động của chiến tranh thương mại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi tiêu dùng trong nước. Đây là một yếu tố được xem là lực đẩy cho kinh tế trong năm tới.