Thành phố thông minh đã trở thành chiến lược phát triển trên toàn cầu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thông tin về hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 với chủ đề: “Đô thị thông minh - kinh tế số - phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào ngày 2-3/12/2024, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, xây dựng thành phố thông minh đang được đẩy mạnh triển khai tại các thành phố lớn trong cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển bứt tốc.
Thành phố thông minh không chỉ là mô hình phát triển đô thị mà còn là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại châu Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đã xây dựng những đô thị thông minh kiểu mẫu, tập trung vào ứng dụng công nghệ AI, Io và năng lượng tái tạo để giải quyết các vấn đề đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Tại Singapore, nhờ áp dụng AI vào di chuyển công cộng, thời gian chờ tuyến của tàu và xe bus đã giảm từ 33-50%. Tại Barcelona (Tây Ban Nha), cảm biến IoTs đã cải thiện hành trình thu thập rác thải, giảm 20% chi phí vận hành mạng lưới thu gom rác. Hay tại Amsterdam (Hà Lan) nhờ phân tích và phân bổ năng lượng thông minh hơn đã tiết kiệm được 15% năng lượng hóa thạch.
Tại Việt Nam, đô thị thông minh được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lấy các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Đến nay, đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh. Là đô thị lớn, thành phố Hà Nội có tiềm năng rất lớn để đẩy nhanh tốc độ thông minh hóa các đô thị; hình thành nhiều khu đô thị thông minh, khu công nghệ - công nghiệp thông minh trở thành biểu tượng cho đột phá và tiến bộ.
Bên cạnh những tiến bộ, tại các đô thị lớn còn nhiều vấn đề tồn tại và thách thức về tài chính, nguồn lực, sự đồng bộ trong hạ tầng. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - đơn vị đồng tổ chức sự kiện mong muốn, hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 là dịp chia sẻ kinh nghiệm từ các thành phố trong khu vực, là môi trường hợp tác, xúc tiến quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ, mở ra cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược với nhà nước hay các doanh nghiệp trong nước với tổ chức quốc tế nhằm đưa ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Đây cũng là hoạt động nhằm đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc định hướng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh tại Việt Nam, đồng thời được định vị là một điểm đến thường niên, uy tín cho các nhà đầu tư trong khu vực và thế giới.