Để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tại Phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng 6/4/2025.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ năm 2020. Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực.
Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ, công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, dịch vụ tăng 7,67%.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Theo Bộ Tài chính, dựa trên kết quả đạt được trong quý I, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, 9 tháng cuối năm cần đạt mức tăng trưởng khoảng 8,3%. Trong đó, dự báo tăng trưởng quý II sẽ đạt 8,2%, trong khi quý III và quý IV có thể đạt lần lượt 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra ban đầu.
Riêng trong quý II, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần đạt mức tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Sản xuất điện và khí đốt cần tăng 11,5%, trong khi ngành khai khoáng cần phục hồi mạnh mẽ để đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng chung.
Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện trong năm 2025 lên tới gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch, duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I và vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Bộ Tài chính cũng dưj báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn thời gian tới. Các động lực tăng trưởng có thể suy giảm mạnh, trong khi công tác ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội sẽ gặp nhiều rủi ro.
Cụ thể, các động lực tăng trưởng như xuất khẩu và sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt nếu Mỹ áp mức thuế 46% trên diện rộng, điều này sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, doanh nghiệp, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng và lao động trong nước.
Đặc biệt, đời sống của một bộ phận người dân và người lao động có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình trạng thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp.
"Đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đưa ra một số vấn đề trọng tâm cần triển khai. Đầu tiên, trong ngắn hạn, cần tăng cường đối thoại và thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ để thỏa thuận mức thuế đối ứng hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị tốt các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, đặc biệt là 17 luật và nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua.
Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, đảm bảo không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy đầu tư công, đầu tư trong nước, thu hút FDI; phát triển, bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy du lịch; hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, giải pháp ứng phó với chính sách của Mỹ, ổn định niềm tin, tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và thị trường, tạo đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, các bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi (dự kiến ngày 1/7/2025), bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc kịp thời nắm bắt và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện là rất quan trọng để có thể hướng dẫn và giải quyết, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai các chính sách.