Tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý II/2020

Linh Nga 31/03/2020 11:00

Với các động thái “giãn cách xã hội” quyết liệt của Chính phủ kể từ cuối tháng 3/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh trong quý II, đặc biệt là khu vực dịch vụ...

Khu vực dịch vụ trong đó tiêu biểu là ngành du lịch sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Khu vực dịch vụ trong đó tiêu biểu là ngành du lịch sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2020 của Việt Nam ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước- mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, sự sụt giảm mạnh diễn ra ở cả ba khu vực kinh tế.

Cụ thể, khu vực nông – lâm - thủy sản chỉ tăng 0,08%, trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp, ngành thủy sản tăng 2,79% - thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019. 

Khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 5,15%, trong đó ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,18% trong khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo (động lực chính của GDP) chỉ tăng 7,12% (thấp hơn nhiều mức tăng 12,3% của cùng kỳ năm 2019). Khu vực dịch vụ với tỷ trọng lớn nhất trong GDP (43%) cũng chỉ tăng 3,27% trong quý I/2020, giảm một nửa so với mức tăng 6,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, so với các dự báo sơ bộ hồi đầu tháng 2, mức tăng 3,82% của GDP trong quý I như trên là thấp hơn khá nhiều. Tuy nhiên, đây không phải điều quá bất ngờ đối với nhà đầu tư trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp gần đây. 

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với các động thái “giãn cách xã hội” quyết liệt của Chính phủ kể từ cuối tháng 3/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh trong quý II, đặc biệt là khu vực dịch vụ.

Khu vực công nghiệp-xây dựng trong quý II có thể không còn chịu nhiều áp lực về gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc và Hàn Quốc như vào thời điểm giữa quý I nhưng sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nguồn cầu ở cả thị trường trong nước lẫn các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và châu Âu (chiếm tổng tỷ trọng khoảng 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Nếu dịch bệnh sớm được các nước trên thế giới kiểm soát vào thời điểm giữa quý II, BVSC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ sớm phục hồi mạnh trở lại trong quý III và quý IV với mức tăng quanh 7%. Tuy vậy, về tổng thể chung, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ cho cả năm nay sẽ rất khó để hoàn thành. 

Trên thực tế, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% trong bối cảnh dịch COVID-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra là vô cùng khó. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II, thì quý III và IV phải đạt được mức tăng trưởng tăng 8,57% và 9,23%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nên có thể nói là khó có thể đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý II/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO