Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và khoảng 400.000 lao động "tắc nghẽn" khi tăng tuổi hưu nhanh.
Trong bối cảnh Việt Nam với dân số đang ở "cơ cấu vàng" - tức tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng lên. Vậy việc tăng tuổi hưu được cho là sẽ gây ảnh hưởng tới cơ hội của người trẻ.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu đương nhiên là ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ nếu tăng nhanh và tăng cho mọi nhóm lao động.“Do đó, rất cần tăng theo lộ trình và tăng dần đều để tránh gây ảnh hưởng tới cơ hội của người trẻ”, ông Lợi khẳng định.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400.000 người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, nghĩa là sẽ có 400.000 người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp, lẽ ra họ sẽ nhường chỗ cho 400.000 người mới tham gia thị trường lao động.
“Do vậy, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn nếu theo lộ trình nhanh như vậy. Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800.000 người và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên”, ông Lợi lưu ý.
Trên thực tế, các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là quốc gia thiếu lao động. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Việt Nam mỗi năm có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, lao động nặng nhọc, cơ bắp chủ yếu nên không phù hợp để làm việc khi đã lớn tuổi.
“Chủ lao động cũng không muốn sử dụng người lớn tuổi vào lao động trực tiếp, người lao động cũng vậy nên nếu tăng tuổi hưu, năng suất lao động sẽ không cao. Ngược lại, người trẻ mà thiếu việc làm, hậu quả xã hội sẽ rất lớn”, ông Ngọ Duy Hiểu nhận định.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn dồi dào. “Nếu lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ tác động làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại một chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh”, ông Lợi chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
14:01, 12/06/2019
05:00, 31/05/2019
08:00, 20/05/2019
06:40, 25/05/2019
Được biết, tại tờ trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội về dự thảo Luật Lao động sửa đổi, đề xuất 2 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nam ở tuổi 62, nữ ở tuổi 60 với lộ trình 10 năm và 15 năm bắt đầu từ ngày 1/1/2021.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động của lao động tức ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. “Lao động nữ tới độ tuổi 55, thậm chí là 45 tuổi trong ngành dệt may là khó đảm bảo được năng suất vì có thể mắt đã mờ, tay đã chậm”, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định. “Về cơ bản, với những lao động chân tay như da giày, dệt may, thủy sản, điện tử hay những ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được quyền về hưu sớm hơn so với lao động bình thường”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo đó, nhóm một là nhóm lao động về đúng độ tuổi quy định là những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Nhóm thứ hai được quyền về hưu sớm hơn 5 năm trong trường hợp họ bị suy giảm khả năng lao động, hoặc làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, làm công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Cuối cùng là nhóm được quyền nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công việc quản lý và một số trường hợp đặc biệt nhưng có sức khỏe, có nhu cầu và được cơ quan sử dụng lao động mong muốn ở lại để làm việc, đóng góp vì kinh nghiệm.
“Chính phủ cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi cho tất cả các nhóm đối tượng lao động để quy định pháp luật có tính khả thi”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Hai đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021Phương án 1 từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. |