Đã đến lúc Chính phủ, NHNN cần định vị lại mục tiêu lạm phát, dùng chính sách tài khóa kết hợp nhuần nhuyễn với chính sách tiền tệ, đưa câu chuyện bơm vốn cho doanh nghiệp được thông suốt.
>>> Gấp rút hỗ trợ lãi suất 2%, gỡ khó cho doanh nghiệp
LTS: Nhiều doanh nghiệp chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room (hạn mức) tín dụng để có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, NHNN đang tỏ ra thận trọng vì lo ngại lạm phát lẫn nợ xấu gia tăng trở lại.
Lạm phát, “room” tín dụng và vốn cho phục hồi tăng trưởng là những vấn đề đang được quan tâm trong thời gian gần đây. Trong đó, nổi lên sự mâu thuẫn giữa kiểm soát lạm phát qua việc sử dụng hạn mức tín dụng với việc cần hỗ trợ khẩn cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nếu theo đuổi mục tiêu lạm phát thì việc kiểm soát nguồn cung vốn cho nền kinh tế sẽ bị hạn chế, dẫn đến khó thúc đẩy tổng cầu và đầu tư vốn cho phát triển. Ngược lại, tăng trưởng nhanh về vốn để thúc đẩy phục hồi kinh tế thì cũng có thể dẫn tới đe dọa về lạm phát.
Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng, lạm phát của Việt Nam đến từ yếu tố chi phí đẩy, mà chủ yếu là do giá xăng dầu, cũng như giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào cho sản xuất kinh doanh đã tăng khá cao. Doanh nghiệp cần lượng vốn tương ứng với mặt bằng giá mới đã được thiết lập, nhưng hiện các ngân hàng đang “cạn room” khiến nguồn vốn bế tắc.
Muốn khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại phải được điều chỉnh hạn mức tín dụng cao hơn, riêng với các ngân hàng yếu kém không huy động được vốn ở thị trường một, thì bản thân họ đã gặp khó trong việc cung ứng vốn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần tính toán làm sao, để bình quân chung tăng trưởng tín dụng đảm bảo mục tiêu 14% năm 2022, từ đó có cơ sở tính toán tăng room tín dụng cho những ngân hàng có sức khoẻ tài chính tốt. Có một số yếu tố để NHNN có thể thực hiện được việc này trong phạm vi an toàn như:
Đã đến lúc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần định vị lại mục tiêu lạm phát, dùng chính sách tài khóa kết hợp nhuần nhuyễn với chính sách tiền tệ, đưa câu chuyện bơm vốn cho doanh nghiệp được thông suốt.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng những năm gần đây không thể được xem là nóng với một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-7%. Điều này cũng có nghĩa điều kiện 1 về sử dụng công cụ hạn mức tín dụng không tồn tại như những năm 2007-2011.
Thứ hai, NHNN đã đưa ra lộ trình áp dụng Basell II cho các ngân hàng và đã có gần 20 NHTM đạt chuẩn này. Khi đó, đã kiểm soát tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của thị trường, có nghĩa là NHTM chỉ phép cho vay 80% nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và của cá nhân trong nền kinh tế. Đồng thời, NHNN không bơm thêm tiền cho kênh tín dụng, đương nhiên cung tiền không quá lớn để lo ngại lạm phát.
Thứ ba, NHNN có thể áp dụng tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc để “nhốt” tiền ở tài khoản của tổ chức tín dụng tại NHNN, đồng nghĩa với việc các ngân hàng giảm đi đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền.
>>> Tăng tốc và tăng quy mô hỗ trợ lãi suất
Thứ tư, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hằng ngày, NHNN có thể đưa ra loại tín phiếu NHNN bắt buộc các NHTM phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để TCTD không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra.
Ở góc nhìn rộng hơn về ổn định vĩ mô, có rất nhiều cân đối của nền kinh tế như tài khoá, công nợ và tính thanh khoản trong nền kinh tế của doanh nghiệp. Về chính sách tiền tệ, không chỉ có câu chuyện room tín dụng, mà còn câu chuyện mặt bằng lãi suất của nền kinh tế cũng như tỷ giá. Chúng ta đều thấy tỷ giá biến động như hiện nay đang rất tốt, nhưng nhìn về dài hạn sẽ tiềm ấn nhiều rủi ro, bao gồm khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam với các nền kinh tế khác.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá cả nguyên liệu sản xuất đầu vào đã tăng khoảng 6% so với đầu năm, thậm chí như logistics tăng từ 50-100%. Như vậy để thấy rằng, doanh nghiệp đã kiệt quệ trong suốt thời gian vừa qua, nếu không bơm thêm vốn sẽ không thể cân đối được.
Ngay cả khi triển khai gói 40.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, thì khả năng thực thi cũng rất hạn chế trong đó có vấn đề “cạn room” tín dụng và doanh nghiệp khó thụ hưởng, còn ngân hàng thương mại đối mặt với rủi ro về mặt làm chính sách và trách nhiệm.
Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính, vừa qua thu ngân sách đã được gần 1,1 triệu tỷ đồng, nhưng chính sách tài khóa lại không thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong khi đó, chiến lược lâu dài cho ổn định vĩ mô là lấy ngắn nuôi dài, phải hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu về sau.
Có thể bạn quan tâm