Các start-up được hỗ trợ tiếp cận vốn và đầu tư, tiếp cận thiết bị tiên tiến tại không gian làm việc chung.
Theo ông Từ Minh Hiệu - Cục Khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), thu hút gần 530 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2023. Việt Nam cũng được xếp thứ 44/133 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu toàn cầu…
Tuy vậy, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang gặp một số thách thức. Đó là, các start-up khó khăn tiếp cận nguồn vốn do đầu tư giảm, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần chưa phát triển, khuôn khổ pháp lý chưa tạo điều kiện tham gia cho các quỹ trong nước… Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp phân mảnh và phối hợp chưa hiệu quả; tình trạng thiếu hụt nhân sự trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng; chênh lệch giới tính và hòa nhập.
Trước thực trạng đó, dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP được khởi động nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) phát triển. Đồng thời tăng cường quan hệ đối tác hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn của Nghị quyết 57, biến tầm nhìn đó thành cơ hội thực sự cho tăng trưởng và tạo ra tác động tích cực.
Bà Trần Hương Giang - đồng Trưởng phòng, phòng Đổi mới sáng tạo UNDP Việt Nam cho biết: dự án hướng tới hỗ trợ giải quyết 4 vấn đề liên quan đến phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là Trung tâm thiết kế nhanh và tạo mẫu thử - một không gian làm việc chung hiện đại tại NIC Hòa Lạc; tượng trưng cho mối quan hệ đối tác năng động giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Không gian này được thiết kế hệ thống và tiếp cận bằng tư duy thiết kế cho hub dựa trên nhu cầu của người dùng cuối. Tại không gian này, các doanh nghiệp khởi nghiệp được tạo điều kiện tiếp cận thiết bị tiên tiến, cố vấn hỗ trợ kinh doanh phù hợp và hợp tác hiệu quả.
Để hỗ trợ các start-up và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn dự án hỗ trợ thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIF) cung cấp nguồn tài chính giai đoạn đầu quan trọng. Mô hình vận hành cho Quỹ Đổi mới sáng tạo có thể tham khảo từ thành công của mô hình Quỹ PPP do Chính phủ chủ trì phù hợp với khung pháp lý hiện tại của Việt Nam.
Trong khi Chương trình đổi mới sáng tạo đóng vai trò là sáng kiến bổ sung để tìm kiếm và hỗ trợ các giải pháp tiềm năng; đặc biệt là những giải pháp do doanh nhân nữ khởi nghiệp.
Một nội dung quan trọng khác là nâng cao kỹ năng, năng lực đổi mới cho khu vực công và tư nhân thông qua triển khai các chương trình nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; trao đổi kiến thức kinh nghiệm giữa Việt Nam, Nhật Bản và các nước tiên tiến…