Việt Nam cần tìm ra một tiêu chuẩn đánh giá, tạo một sân chơi công bằng, nơi các doanh nghiệp muốn tăng trưởng thì phải theo hướng phát triển bền vững.
>>Thúc đẩy giải pháp đưa ngành hàng không phát triển bền vững
Đó là chia sẻ của ông Bruno Jaspeart - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C với DĐDN liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam.
- Phát triển xanh, bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai. Ông nhìn nhận như thế nào về chiến lược này?
Theo tôi, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam, góp phần định hình kinh tế Việt Nam trong tương lai. Đó chính là tương lai xanh thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việt Nam đã đưa ra lựa chọn của mình. Trong đó, thiết lập các khu công nghiệp (KCN) sinh thái là một động thái rất đúng đắn để bắt đầu chặng đường này.
Việt Nam có thể đảm bảo rằng các nhà đầu tư khi đến Việt Nam không chỉ đem lại nguồn vốn đầu tư hay tạo công ăn việc làm, mà họ còn đem đến nhiều hơn thế. Nói cách khác, các doanh nghiệp sẽ không chỉ chạy theo lợi nhuận mà cũng sẽ chăm lo cho người dân và cho môi trường nơi đây.
Tôi tin rằng, nếu có thể đưa được mục tiêu đó vào khung pháp lý, Việt Nam sẽ nắm vai trò chủ chốt trong làn sóng hiện thực hóa phát triển bền vững. Tôi cũng tin rằng, với những mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Việt Nam đã có đủ điều kiện để thực hiện phát triển bền vững.
- Theo ông, đâu là những thách thức mà KCN DEEP C nói riêng và các KCN trên cả nước nói chung đang gặp phải trên hành trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?
Tôi phải thừa nhận phát triển bền vững có rất nhiều thách thức. Vấn đề lớn nhất hiện nay mà mọi doanh nghiệp gặp phải tại Việt Nam là hầu hết các quy định pháp luật chưa rõ ràng. Do đó, việc các địa phương hiểu rõ bản chất của khung pháp lý hiện hành là rất quan trọng.
Như tại DEEP C, chúng tôi đang nỗ lực hết mình để trở thành KCN bền vững. Việc chúng tôi theo đuổi phát triển bền vững vì chúng tôi tin đó là hướng đi đúng đắn, bởi chúng tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nước ngoài sau này sẽ chỉ đến Việt Nam đầu tư nếu họ có thể chứng minh cho các cổ đông công ty rằng đây là một điểm đến đầu tư bền vững.
Tuy nhiên, quá trình theo đuổi phát triển bền vững của DEEP C cũng gặp vô vàn trở ngại. Hiện tại, chúng tôi không nhận được bất cứ hỗ trợ nào về mặt tài chính cũng như kỹ thuật để thực hiện điều đó. Đơn cử, việc lắp đặt tua-bin điện gió của chúng tôi tại DEEP C chỉ có thể thực hiện được khi chúng tôi được TP. Hải Phòng ủng hộ vì theo quy định, không được phép lắp đặt tua-bin điện gió trong KCN…
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang rất nỗ lực để xây dựng được một bộ khung pháp lý phù hợp. Bởi vì, đối với việc phát triển đất nước theo hướng bền vững, nói thì dễ nhưng hiện giờ các điều kiện pháp lý vẫn chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có chính sách ưu đãi cho những công ty tạo ra sự khác biệt trong phát triển bền vững.
Tôi tin rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện phát triển bền vững khi có một cơ chế phù hợp, một khung pháp lý mới. Nghị định mới về tiêu chuẩn công nghiệp sinh thái cần mang tính thiết thực. Tại Việt Nam, tôi chưa thấy được chúng ta sẽ làm thế nào để đo lường KCN DEEP C bền vững hay KCN khác không bền vững. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra một tiêu chuẩn đánh giá, tạo một sân chơi công bằng.
>>Hướng đi phát triển bền vững du lịch thông minh
- KCN DEEP C đã và đang đưa ra những giải pháp gì để đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, thưa ông?
5 năm trước, DEEP C phải chứng minh rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư. Đến nay, chúng tôi không cần phải chứng minh điều đó nữa. Câu hỏi đầu tiên mà nhà đầu tư hỏi DEEP C chính là về mặt bền vững. Đó là DEEP đã làm được gì, có hệ thống tính điểm ESG hay không, có cung cấp tín chỉ các-bon không, có chứng minh rác thải được giải quyết thế nào và có đảm bảo được rằng trong vòng 10 năm tới, toàn bộ năng lượng sử dụng là từ nguồn năng lượng xanh hay không?
Nếu chúng tôi không thể trả lời tất cả các câu hỏi đó, chúng tôi sẽ không thể thu hút được những nhà đầu tư chất lượng cao như hiện nay. Chúng tôi phải chứng minh cho mọi người thấy rằng, chúng tôi có thể làm được, không chỉ phải nhờ vào quy định của luật pháp hay nhờ vào vị thế quốc gia, mà bởi đó là quyết định của chúng tôi.
Tôi tin rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm hiểu, chúng tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ. Thậm chí, chúng tôi cũng sẽ chia sẻ cho cả các đối thủ cạnh tranh của DEEP C. Kiếm được lợi nhuận từ việc sản xuất kinh doanh không bền vững bao giờ cũng dễ dàng hơn, nhưng chúng tôi muốn tạo nên sự khác biệt và sự khác biệt đó đến từ niềm tin của chúng tôi. Đó là: “Mọi phát triển trong tương lai đều phải là phát triển bền vững”.
Thực sự, phát triển bền vững là một thuật ngữ rất hay, nhưng cũng là một tiến trình đầy gian khó. Đối với một quốc gia như Việt Nam, tôi nghĩ việc quan trọng là phải có thêm các ý tưởng mới được nhân rộng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
20:30, 24/04/2024
13:58, 24/04/2024
14:16, 23/04/2024
02:30, 20/04/2024