Tập trung hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh cải cách TTHC, hỗ trợ tháo gỡ “nút thắt” cho DN… là một trong những giải pháp trọng tâm tạo sức hút các “đại bàng” trong và ngoài nước đến với Đắk Nông.
DĐDN có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Ninh, giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.
Ông Ninh cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu tỉnh quyết liệt cải cách TTHC lĩnh vực đầu tư, nhiều thủ tục đã được đơn giản và áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết nên thời gian xử lý thủ tục được rút ngắn đáng kể so với quy định của pháp luật (77 thủ tục). Sở cũng tham mưu tỉnh ban hành 02 quyết định hướng dẫn trình tự thủ tục các dự án đầu tư kinh doanh và các dự án Hợp tác theo phương thức đối tác công tư (PPP)…
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nỗ lực đồng hành phục vụ doanh nghiệp, tạo sức hút các "đại bàng" trong và ngoài nước đến với Đắk Nông?
Thực tế, công tác hỗ trợ doanh nghiệp luôn được tỉnh coi trọng, giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư ngay từ khi khảo sát thực hiện dự án, như: Hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát vị trí thực hiện dự án, cung cấp thông tin liên quan đến các lĩnh vực như quy hoạch đất đai, xây dựng...
Hằng năm, tỉnh thực hiện tốt công tác lập danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn và đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức 2 tuần/lần đối thoại doanh nghiệp thông qua các hình thức gặp mặt doanh nghiệp, cà phê doanh nhân...; ngoài ra định kỳ tháng đầu của Quý, UBND tỉnh ủy quyền Sở KH&ĐT đối thoại trực tiếp doanh nghiệp, nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thường xuyên thăm hỏi động viên trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ khó khăn mà các nhà đầu tư gặp phải…
- Ngoài chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, để triển khai hiệu quả nguồn vốn ngân sách, đặc biệt là vốn ODA, WB... Sở đã có những giải pháp ra sao, thưa ông?
Nguồn vốn đầu tư công là một nguồn lực rất quan trọng với sự phát triển của tỉnh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, để triển khai hiệu quả nguồn vốn ngân sách, đặc biệt là vốn vay ODA Sở đã tăng cường công tác phối hợp, trao đổi với các chủ đầu tư dự án để giải quyết các vướng mắc. Mặt khác, Sở đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi với các nhà tài trợ nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng có tính liên vùng, sức lan tỏa... Sở cũng theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân của từng dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân…; chủ động tham mưu tỉnh thành lập các Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân từng dự án đầu tư công…
- Qua quá trình thực hiện thủ tục triển khai dự án, điều gì khiến ông còn trăn trở trong lĩnh vực đầu tư?
Hiện nay, việc thu hút vốn ngoài ngân sách thúc đẩy kinh tế phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân, vì quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị chưa đồng bộ, diện tích quy hoạch thăm dò bô xít với trữ lượng rất lớn, nhưng việc xác định các khu vực còn chậm...
Bên cạnh đó, nhiều quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu chưa cụ thể, chưa kịp thời dẫn đến không có cơ sở pháp lý xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư... Một số cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục đầu tư đôi khi còn lúng túng đối với các dự án có tính chất phức tạp liên ngành, dẫn đến chậm trễ…
- Để tháo gỡ những “nút thắt” trên, Sở đã tham mưu cho tỉnh những giải pháp mang tính đột phá, thưa ông?
Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, cần tập trung các nguồn lực để sớm triển khai các quy hoạch ngành. Trong đó, ưu tiên quy hoạch ngành Công nghiệp; Nông - lâm nghiệp; Du lịch, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư 03 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Đồng thời. tỉnh tiếp tục cắt giảm số lượng và thời gian thủ tục đầu tư. Riêng đội ngũ cán bộ tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ cần thay đổi tư duy làm việc từ phong cách hành chính “mệnh lệnh” sang “phục vụ”, đồng thời, có chính sách đào tạo thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển…
Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, qua đó, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các “rào cản”, không để kéo dài dẫn đến khó xử lý, gây thiệt hại cho doanh nghiệp… Song song đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng,…; xây dựng các tuyến đường giao thông, điện vào các khu quy hoạch thu hút đầu tư như: Khu chăn nuôi tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch.
Cùng với đó, tỉnh quy hoạch thêm các KCN bám theo các đường quốc lộ, cao tốc tạo lợi thế cạnh tranh. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để thu hút các các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng KCN đã quy hoạch. Đặc biệt, số hóa công tác quản lý, kinh tế số... áp dụng thành quả công nghệ 4.0 vào quản lý để nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong quản lý, giải quyết các thủ tục, giảm chi phí không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch, thị trường.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm