Tập đoàn Bosch và “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam

NGUYỄN CHUẨN 02/08/2024 02:00

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 đang là mối quan tâm hàng đầu của những doanh nghiệp FDI.

>>>“Hiện thực hóa Nhà máy tương lai” - Thông điệp từ Bosch Rexroth

Theo Thông tin Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mới đây đã có buổi tiếp ông Stefan Grosch, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của Tập đoàn Bosch (Đức) đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam vào ngày 1/8.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp ông Stefan Grosch, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của Tập đoàn Bosch (Đức) - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp ông Stefan Grosch, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của Tập đoàn Bosch (Đức) - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại buổi tiếp, ông Stefan Grosch cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này nằm trong nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường Đông Nam Á để Tập đoàn Bosch đưa ra những sản phẩm phù hợp hơn với khu vực trong tương lai. Đồng thời, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, ông bày tỏ lời cảm ơn với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam trong suốt 30 năm đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Bosch đang đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, phụ tùng ô tô, xe máy, nông nghiệp… tạo việc làm cho 6.200 người lao động, trong đó có 4.000 người làm trong lĩnh vực phần mềm.

Ông Stefan Grosch cũng cho biết, Bosch sẽ tăng số lượng kỹ sư trong lĩnh vực phần mềm lên 6.000 người vào năm 2025 để mở rộng năng lực sản xuất phầm mềm tại Việt Nam, và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nỗ lực này của Tập đoàn.

Tập đoàn Bosch cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp 4.0; sẵn sàng cung cấp các giải pháp quản lý an toàn giao thông thông minh cho Việt Nam.

Ở phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của ông Stefan Grosch, cũng như những ý tưởng và kế hoạch hợp tác với Việt Nam của Tập đoàn Bosch. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Tập đoàn đã quyết định đầu tư tại Việt Nam từ rất sớm với những sản phẩm chất lượng cao, nằm trong số những thương hiệu hàng đầu, khẳng định được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam và thế giới.

Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo kịp xu thế phát triển chung của thế giới; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ mới, nhất là chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất phầm mềm…

>>>Bosch giới thiệu các giải pháp tích hợp thông minh tại Secutech Vietnam 2018

>>>Xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho kỷ nguyên AI

Chiến lược “local-for-global” của Bosch

Tập đoàn Bosch tiếp cận Việt Nam từ những năm 1950, nhưng phải đến năm 1994 họ mới đặt chân trở lại với một văn phòng đại diện và sau đó đến năm 2008 Bosch mới chính thức thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

nhà máy sản xuất dây đai truyền động Bosch Việt Nam ở Long Thành.

Nhà máy sản xuất dây đai truyền động Bosch Việt Nam ở Long Thành.

Tại Việt Nam, Bosch kinh doanh đa dạng hóa xoay quanh các mảng linh kiện và thiết bị ô tô, công nghệ xe máy, công nghệ truyền động và điều khiển, dụng cụ điện và công nghệ tòa nhà. Năm tài chính 2022, Bosch ghi nhận doanh thu hợp nhất 232 triệu euro tại thị trường Việt Nam. Từ lâu, công ty đã có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp thiết cho những hoạt động của mình.

Vào tháng 6 năm 2022, Bosch đã khai trương một trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội, cùng với đó là mục tiêu tăng số lượng kỹ sư phần mềm tại Việt Nam lên gấp đôi vào năm 2025, lên khoảng 6.000 người.

Ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam khi đó cho biết, chế độ lương thưởng và phúc lợi tại Bosch luôn là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo tính cạnh tranh và cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho người lao động. Công ty cũng không ngừng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn.

Bên cạnh các chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những giải pháp được Bosch lựa chọn là hợp tác với các cơ sở đào tạo, trường đại học để có được nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng đúng nhu cầu.

Từ năm 2013, Bosch Việt Nam đã hợp tác với Cao đẳng LILAMA2 cung cấp chương trình học nghề kỹ thuật công nghiệp (chương trình TGA) theo tiêu chuẩn Đức, nơi sinh viên vừa học vừa làm, với sự tài trợ của Bosch. Sinh viên sẽ được học tập và đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, đảm bảo phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng chuyên môn, cũng như các kỹ năng mềm thiết yếu. Họ cũng nhận được trợ cấp hàng tháng và các chế độ phúc lợi giống như nhân viên trẻ tại Bosch, bên cạnh việc được đảm bảo việc làm tại Bosch sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, Bosch Việt Nam cũng hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước để tổ chức các cuộc thi và chương trình đào tạo phát triển năng lực về công nghệ ô tô, Internet vạn vật và AI cho sinh viên và doanh nhân trẻ.

Gần đây, Bosch Việt Nam vừa ký kết chương trình hợp tác cùng Đại học RMIT Việt Nam nhằm đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực đầu ra cho thị trường ngành công nghệ tại Việt Nam và thế giới. Thông qua chương trình hợp tác, sẽ cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức từ các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tại Bosch. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự hợp tác này đã nhấn mạnh chiến lược local-for-global (đào tào nguồn nhân lực địa phương, đáp ứng nhu cầu thế giới) của Bosch tại Việt Nam.

Ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, từng bày tỏ: “Sự đầu tư của chúng tôi cho nguồn nhân lực trẻ không chỉ cho hiện tại, mà còn cho một tương lai phía trước. Chiến lược local-for-global của Bosch nhằm mục đích hỗ trợ tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao cho Việt Nam, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và đổi mới đang diễn ra không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới”.

Tại Việt Nam, Bosch cho biết họ vẫn luôn kiên định với sứ mệnh hỗ trợ công nghiệp 4.0, nhất là trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ và sản xuất. Công ty cũng đã đóng góp nhiều dự án khác nhau cho giáo dục Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp. Bosch nhận thức rằng việc nuôi dưỡng tài năng địa phương không chỉ cần thiết cho thành công của chính doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển của quốc gia sở tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ của Việt đang thu hút startup công nghệ quốc tế

    Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ của Việt đang thu hút startup công nghệ quốc tế

    09:04, 01/08/2024

  • Thái Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp

    Thái Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp

    00:19, 21/07/2024

  • Intel thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực AI tại Việt Nam

    Intel thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực AI tại Việt Nam

    02:30, 07/07/2024

  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo suốt đời

    Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo suốt đời

    15:37, 28/06/2024

  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút FDI

    Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút FDI

    03:50, 31/05/2024

  • Sáng kiến mới của Đức nhằm cải thiện nguồn nhân lực

    Sáng kiến mới của Đức nhằm cải thiện nguồn nhân lực

    03:00, 12/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tập đoàn Bosch và “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO