Cuối cùng, 5/10 dự án (thay vì 3) đã được lựa chọn để tiếp tục tham gia chương trình huấn luyện kéo dài từ 1 - 1,5 tháng và làm việc trực tiếp với các huấn luyện viên, các cố vấn thực tập.
10 dự án được lựa chọn tham gia khóa tập huấn chuyên sâu 2 giai đoạn (25 – 26/10 và 8-10/10/2021) đều có các đại diện là CEO rất trẻ với tuổi đời không quá 35 tuổi đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước.
Khóa học do Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia – Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia – VSMA và Chương trình Youth Co: Lab của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc – UNDP Vietnam.
Sau khoảng 2 tuần mở link đăng ký tham dự khóa học, đã có 40 dự án gửi đăng ký. Đây là những dự án không còn ở giai đoạn ý tưởng mà đã đi vào hoạt động, có sản phẩm và đã đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhiều dự án đã thể hiện rõ khả năng tạo tác động đo lường được cho cộng đồng, giúp thỏa mãn các mục tiêu SDG đã được nhìn rõ ở các dự án.
Các dự án kinh doanh ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau (giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp hướng đến xóa đói giảm nghèo)… nhưng đều mang ý nghĩa hướng đến phát triển bền vững theo 17 tiêu chí (SDG) của Liên hợp quốc.
Cụ thể, Dự án SỢI LÁ DỨA (ECOSOI) của Công ty CP Nghiên cứu Sản xuất và Phát triển sợi ECO (Nghệ An) tạo giải pháp thay thế cho sợi vải, ngành may mặc từ sợi tơ dứa, nhằm cải thiện sinh kế cho người nông dân, giảm thiểu sử dụng hóa chất. Dự án Menthy - Công ty TNHH Doanh Nghiệp Xã hội Chăm sóc sức khỏe tinh thần Menthy (TP HCM) mang lại giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần, giáo dục tâm lý dành cho sinh viên đại học "Chuyển hóa stress", tập trung vào vấn đề đang nổi cộm, nghiêm trọng sau hậu Covid…
Giảng viên chính của khóa học – ông Phan Đình Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VSMA, Nhà sáng lập Angels 4Us cho rằng: “Để có lộ trình 5 ngày và cả chương trình tổng thể Youth Co: Lab, chúng tôi ghi nhận nỗ lực đằng sau từ Ban tổ chức và UNDP Vietnam. Đây không phải là một sự kiện như buổi chia sẻ về kinh nghiệm hay lý thuyết mà chúng tôi đã thực sự đầu tư với mong muốn hỗ trợ cũng như cùng đồng hành cùng các bạn. Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở tin rằng trong tương lai, chúng ta có sản phẩm tốt, không chỉ cho môi trường, cộng đồng mà còn thể hiện tính bền vững qua yếu tố thương mại”.
Về phía các học viên, cảm thấy rất lý thú và bổ ích khi được tham dự khóa học, nhất là với những nội dung như đo lường quy mô thị trường (sử dụng cách thức: Facebook, Google, TAM/SAM/SOM, dưới lên), nhất là phần khảo sát, phỏng vấn khách hàng để đánh giá, cập nhật lại mô hình kinh doanh.
Học viên Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Sản xuất của Dự án SỢI LÁ DỨA (ECOSOI) đã bày tỏ: “Em cảm thấy rất thú vị bởi phần khảo sát khách hàng đã làm thay đổi suy nghĩ của em. Khi gửi phiếu khảo sát, team thấy ở trong nước có nhiều doanh nghiệp quan tâm. Điều này càng thôi thúc cho team cần xây dựng kế hoạch chỉn chu hơn để sớm có sản phẩm từ thực vật, như vải hoặc tơ làm từ lá dứa để tung ra thị trường nhiều hơn”.
Có thể bạn quan tâm