Khách hàng cần tìm hiểu kỹ các tranh chấp và bất đồng giữa chủ đầu tư, cách hành xử của chủ đầu tư với nhà đầu tư và cư dân trước đây trước khi quyết định mua nhà.
Như Diễn đàn Doanh nghiệpphản ánh trước đó, dự án Tecco Diamond Thanh Trì mặc dù vừa nhận giấy phép xây dựng cuối tháng 9, đồng thời mới bắt đầu làm móng nhưng chủ đầu tư đã tiến hành quảng cáo, huy động vốn từ khách hàng bằng hợp đồng đặt cọc giữ chỗ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, đặt cọc mua nhà là quan hệ dân sự do các bên thỏa thuận, do đó đầu tiên phải căn cứ vào các thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc. Nếu trong hợp đồng không có quy định thì sẽ áp dụng quy định trong Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp sau khi đặt cọc bị bên bán “đánh tháo” vì họ tìm được người mua với giá cao hơn. Vì thế những người có kinh nghiệm đi mua nhà, khi lập giao kết (dù bằng giấy viết tay) cũng ràng buộc bên bán bằng điều khoản, nếu bên bán không bán nhà đất nữa thì ngoài việc phải trả lại tiền đặt cọc, phải chịu phạt một số tiền nhất định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, vì bán được giá hơn so với người mua cũ, nhiều người bán nhà đã chấp nhận bị phạt theo thỏa thuận để bội tín.
Nghị quyết 01/2003 của Hội đồng thẩm phán (Tòa án nhân dân Tối cao) cũng có hướng dẫn tương tự về giải quyết tranh chấp về đặt cọc. Tuy nhiên, bao giờ người đặt cọc cũng phải chịu nắm “đằng lưỡi” vì muốn đòi được “khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” họ phải kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc ra Tòa án với quy trình tố tụng kéo dài. Đó là chưa kể nhiều vụ thắng cuộc cũng khó đảm bảo thi hành án.
Do đó, với những vụ mà số tiền đặt cọc không lớn, thông thường bên đặt cọc phải chấp nhận phần thiệt là lấy số tiền đã đặt cọc về mà không được “bồi thường” gì thêm. Còn trong các vụ mà số tiền đặt cọc có giá trị lớn thì người mua càng thiệt hại nhiều hơn, do số tiền này bị bên bán lợi dụng gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất hoặc dùng để làm vốn đầu tư, quay vòng, …
Trên thực tế, thời gian qua, hàng chục nghìn khách hàng đã phải liên tục căng băng rôn biểu tình, cầu cứu khắp nơi vì tin tưởng chủ đầu tư mà "sa lầy" vào các dự án không hẹn ngày về đích. Thậm chí phải kiện chủ đầu tư ra tòa để tố chủ đầu tư lừa đảo, nhà không thấy đâu, chủ đầu tư cũng “trốn biệt”
Theo LS Lê Văn Hồi - Chủ tịch Công ty Luật My Way thời điểm hiện tại, các dự án khá nhiều nên việc lựa chọn của khách hàng được thuận lợi hơn rất nhiều, khách hàng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, trước khi ký kết các Hợp đồng với Chủ đầu tư, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về uy tín, năng lực của Chủ đầu, hồ sơ pháp lý hiện tại của dự án và tiến độ thi công thực tế của dự án.
Cụ thể, tìm hiểu thật rõ về tính pháp lý liên quan đến dự án như: Các thông tin cần thiết về dự án như: Giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết. Thứ hai, tìm hiểu kỹ các tranh chấp và bất đồng giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư trước đây, cách hành xử của chủ đầu tư với nhà đầu tư và cư dân tương lai.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, người mua nhà nên thường xuyên theo dõi công trường, cập nhật tiến độ dự án để nắm rõ hoạt động của chủ đầu tư.
Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như công trường ngừng thi công, hay những thông tin xấu về dự án trên báo chí cần liên lạc ngay với chủ đầu tư để làm rõ. Nếu dự án chậm tiến độ theo hợp đồng mua bán cần báo ngay tới các cơ quan chức năng như UBND quận, sở xây dựng để giải quyết.
Có thể bạn quan tâm