Tết Nguyên đán 2021 với người dân Trung Quốc dường như sẽ ảm đạm hơn rất nhiều vì dịch COVID-19.
Thông thường vào thời điểm này trong năm, người dân Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc di chuyển thường niên lớn nhất thế giới mang tên Xuân vận. Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ đổ về các bến xe, bến tàu và sân bay để về quê ăn Tết Nguyên đán cùng với gia đình.
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2021, cuộc đại di cư này đã bị hoãn lại sau khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân tránh đi lại nhiều trong kỳ nghỉ lễ để ngăn chặn làn sóng mới của dịch COVID-19 khiến nhiều người phải đón tết xa quê trong tình trạng duy trì giãn cách xã hội.
Vừa qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành những quy định mới, yêu cầu người dân trở về các khu vực nông thôn phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 7 ngày qua và trải qua 14 ngày “cách ly tại nhà”.
Thậm chí, chính quyền một số địa phương còn áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn. Chẳng hạn Thâm Quyến cũng đã ra thông báo công chức, đơn vị sự nghiệp, nhân viên doanh nghiệp nhà nước phải xin phép khi rời khỏi đặc khu, các công ty khác cố gắng bố trí về quê tránh đợt cao điểm, khuyến khích đón tết ở đặc khu.
Tổng liên đoàn Lao động tỉnh Phước Kiến cũng ra thông báo sẽ tổ chức tết cho người lao động ở lại, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức du lịch cho công nhân ở lại. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác như Thượng Hải, Vũ Hán, Hà Bắc, Hồ Bắc đều có hành động tương tự. Hiện các địa phương chủ yếu là khuyến cáo, khuyến khích ở lại đón tết chứ chưa cấm về quê.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng thống kê, trên toàn quốc, lượng hành khách đi máy bay trong ngày đầu tiên của kỳ Xuân vận giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Bộ Giao thông Vận tải nước này ước tính sẽ có 1,15 tỷ chuyến đi được thực hiện trong kỳ Xuân vận, ít hơn 61% so với năm 2019 và ít hơn 22% so với năm 2020.
Mặc dù vậy, trong bài viết được đăng tải trên CNN, phần lớn người dân Trung Quốc đều bày tỏ sự ủng hộ với việc hạn chế di chuyển nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ một số tiền nho nhỏ cho những nhân viên chọn ở lại đón tết Nguyên đán.
Đặc biệt, những người Trung Quốc không được đoàn tụ cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đã chọn cách gửi cho người thân hương vị quê nhà, muốn thông qua những món ăn đặc trưng để rút gần khoảng cách.
Điều này đã làm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trực tuyến phát triển mạnh mẽ trong trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Cụ thể, người lao động ở thành phố đã gửi các món ẩm thực địa phương cùng những sản phẩm thiết yếu như gạo và dầu ăn về cho gia đình, trong khi phụ huynh lại gửi các món ngon quê hương cho con cháu ở thành phố.
Theo kênh truyền hình CCTV đưa tin các trang web trực tuyến và thương mại điện tử đã thu lợi nhuận béo bở khi doanh thu từ thực phẩm tăng đến 40% trong dịp lễ hội mua sắm từ 20/1 – 3/2, so với cùng kỳ năm ngoái. Các trang thương mại điện tử và bán lẻ như JD.Com, Pinduoduo và JD Daojia cho biết số lượng đơn đặt hàng thực phẩm và đồ uống đã tăng vọt trước kỳ nghỉ lễ năm nay.
Bà Imogen Page-Jarrett, một nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, chia sẻ: “Sau một năm khó khăn do đại dịch, mọi người sẽ sẵn sàng vung tiền mua đồ ăn như một phần thưởng. Người tiêu dùng sẽ thấy việc gửi quà, trong đó có thực phẩm, cho người thân của họ là điều cần thiết”.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc vẫn trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.
Có thể bạn quan tâm