Tết ở một xóm lao động ngoại thành Sài Gòn

ĐÌNH ĐẠI 30/01/2022 04:00

Sài Gòn những ngày cận Tết, trái ngược với không khí rộn ràng cờ hoa ở khu vực trung tâm Thành phố, thì đâu đó, trong những khu lao động ở ngoại thành, không khí Tết vẫn chưa đến với bà con nơi này.

>>>TP HCM: Hoa cảnh Tết về phố, tiểu thương hồi hộp chờ khách

Dạo một vòng quanh những xóm lao động trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, phóng viên ghi nhận không khí Tết ở những khu vực này khá trầm lắng. Người dân vẫn mải miết làm việc để bù đắp cho nhiều tháng dài phải nghỉ do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

Anh Nguyễn Hữu Phước, nhà ở tổ 12, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, gia đình anh chuyển về sinh sống tại đây đã hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ anh thấy không khí Tết ở đây trầm lắng năm nay. Mọi năm, vào những ngày này, không khí Tết đã rộn ràng khắp xóm, mọi người cùng nhau trang trí đèn đường để đón Tết, nhưng năm nay, mọi thứ vẫn như ngày thường.

Chiều ngày 26 tháng Chạp, không khí Tết ở xóm lao động này vẫn trầm lắng và dường như Tết vẫn chưa đến với người dân nơi đây.

Chiều ngày 26 tháng Chạp, không khí Tết ở xóm lao động này vẫn trầm lắng và dường như Tết vẫn chưa đến với người dân nơi đây.

Theo anh Phước, trong khu này bà con chủ yếu làm nghề tự do, làm công nhân trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc và khu công nghiệp Tân Bình. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, 5 tháng Thành phố đóng cửa cũng đồng nghĩa với việc 5 tháng bà con không có việc làm nên khó khăn chồng chất khó khăn. Khi Thành phố mở cửa, bà con tranh thủ đi làm nên giờ này vẫn chưa ai nghĩ đến Tết.

“Năm nay là một năm đặc biệt khó khăn đối với bà con ở xóm này. Như nhà tôi, hai vợ chồng nhận hàng về may gia công, nhưng mấy tháng trời giãn cách xã hội, chủ hàng nghỉ là nhà tôi cũng phải nghỉ theo. Ở xóm này hầu như nhà ai cũng vậy. Mọi năm đến giờ này, đèn đường đã được anh em trang trí hết rồi, nhưng năm nay thì không khí chẳng khác gì ngày thường”, anh Phước chia sẻ.

Anh Phước cho biết, trong những tháng giãn cách xã hội để phòng dịch, bà con trong xóm ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh, nhà ai ở nhà đó, không giao lưu qua lại, các cháu nhỏ thì hầu như ở trong nhà suốt mấy tháng trời. Mọi việc mua sắm nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt gia đình đều được bà co đặt hàng online giao đến tận cửa, nên trong những tháng cao điểm của dịch bệnh cả xóm chỉ có 1-2 hộ gia đình bị nhiễm COVID-19, nhưng được đưa đi cách ly điều trị kịp thời nên đều qua khỏi.

Sau ngày Thành phố mở cửa cũng có thêm nhiều hộ bị nhiễm bệnh, nhưng do đều được chích đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên chỉ có triệu chứng nhẹ, sau hơn 1 tuần cách ly điều trị tại nhà thì đều âm tính hết. Và điều mà anh cũng như người dân trong khu phố này cảm thấy may mắn nhất là không có nhà ai phải chịu cảnh mất người thân vì dịch bệnh.

Cũng theo anh Phước, trong 3 gói hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh của Thành phố, người dân trong tổ dân phố này chỉ nhận được một lần hỗ trợ. Nhà anh và một vài hộ được nhận gói hỗ trợ đợt 1 dành cho lao động tự do, mỗi người được nhận 1,5 triệu đồng. Còn phần lớn bà con chỉ được nhận gói hỗ trợ đợt 2 dành cho hộ gia đình khó khăn do COVID-19, mỗi hộ được nhận 1,5 triệu đồng.

“Nhà ai được nhận gói hỗ trợ đợt 1 rồi thì sẽ không được nhận gói hỗ trợ đợt 2. Riêng đối với gói hỗ trợ đợt 3 thì đến nay vẫn chưa nhà ai được nhận”, anh Phước nói và cho biết, thấy nhiều nơi người dân vẫn được nhận đầy đủ các gói hỗ trợ, bà con cũng có thắc mắc với Tổ trưởng, nhưng cũng không nhận được câu trả lời cụ thể.

theo anh Phước, trong 3 gói hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh của Thành phố, người dân trong tổ dân phố này chỉ nhận được một lần hỗ trợ - Ảnh minh họa.

Theo anh Phước, trong 3 gói hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh của Thành phố, người dân trong tổ dân phố này chỉ nhận được một lần hỗ trợ - Ảnh minh họa.

>>>TP.HCM: Khu phố nhộn nhịp vào Xuân

Tương tư, nhà chị Nguyễn Thị Mai, cách nhà anh Phước mấy căn, làm công nhân may trong khu công nghiệp Tân Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty nơn chị làm việc gần như đóng cửa suốt mấy tháng liền, chị được công ty cho tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương 3 tháng, nên mọi chi tiêu trong gia đình đều phải trông chờ vào đồng lương viên chức ít ỏi của ông xã.

Chị kể, trong mấy tháng cao điểm của dịch bệnh, phải nghỉ ở nhà, thu nhập không có, mua bán lại khó khăn, chị phải 2 lần nhờ “viện trợ” nhu yếu phẩm từ ngoài quê vào, cố gắng tằn tiệm rồi cũng qua được mấy tháng. “May mà các cháu nhỏ không đi học, nên không phải tốn thêm một tháng mấy triệu nữa chứ không thì không biết soay sở thế nào”, chị nói.

Vào cuối tháng 9 năm ngoái, chị chưa kịp mừng vì sắp được đi làm thì cả gia đình lại bị nhiễm COVID-19, vậy là chị lại phải ở nhà thêm gần một tháng nữa, mãi đến cuối tháng 10, chị mới được quay lại làm việc khi đã điều trị khỏi COVID-19 và cách ly tại nhà thêm 14 ngày theo yêu cầu của công ty.

Nói về chuyện thưởng Tết, chị Mai cho biết, năm nay do mất mấy tháng nghỉ không lương, nên thưởng Tết của chị cũng thấp hơn mọi năm. Nếu như những năm trước, chị được nhận thưởng Tết bằng 2 tháng lương, thì năm nay chỉ nhận được 1 tháng, số tiền thưởng cũng giảm đi, do công ty tính theo thu nhập bình quân của 12 tháng để chia ra thu nhập của một tháng làm căn cứ thưởng Tết. Do đó, thưởng Tết của chị giảm đi rất nhiều so với những năm trước.

“Mọi năm, giờ này tôi đã mua sắm đầy đủ đồ Tết rồi, nhưng năm nay thì chưa có gì cả. Tết này nhà tôi cũng chỉ đại khái cho qua thôi, chứ cũng không sắm sửa cầu kỳ như mọi năm. Hơn 15 năm gia đình tôi ăn Tết ở Sài Gòn, nhưng chưa năm nào tôi có cảm giác Tết buồn như năm nay”, chị Mai bày tỏ.

Còn anh Trương Vân, quê Quảng Nam, làm nghề cơ khí chia sẻ, gia đình anh chuyển đến khu này sinh sống cũng được gần 5 năm. Mọi năm, gia đình anh đều về quê ăn Tết, nhưng năm nay dịch bệnh phức tạp, phần vì lo ngại các biện pháp cách ly phòng bệnh ở quê, phần vì kinh tế khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nên vợ chồng anh quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết.

“Suốt mấy tháng dịch bệnh căng thẳng, xưởng cơ khí nơi tôi làm việc cũng phải đóng cửa để phòng dịch, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi Thành phố mở cửa trở lại, chúng tôi phải tăng ca làm việc để kịp giao hàng cho khách nên giờ này chưa ai nghĩ gì đến Tết cả, mọi thứ chắc cũng qua loa thôi”, anh Vân chia sẻ.

Không chỉ anh Phước, chị Mai, anh Vân, mà hầu hết bà con trong xóm lao động này khi trao đổi với phóng viên đều có chung một cảm nhận là không khí Tết năm nay trầm lắng và có vẻ buồn hơn mọi năm. Trải qua một năm đầy biến cố với bao khó khăn và lo lắng cho sức khỏe và sự an nguy của gia đình, người thân, nên ai cũng có tâm trạng đón Tết qua loa. Nhưng ai cũng có chung một niềm mong mỏi là sang năm mới, dịch bệnh sẽ bị tiêu trừ, người dân sẽ không còn phải sống trong cảnh phập phồng, lo sợ, công việc không bị đứt quãng, các cháu nhỏ được đến trường và nhà nhà đều được bình an. Có lẽ đây không chỉ là mong mỏi của người dân trong xóm này mà cũng là mong mỏi của hàng triệu người dân Thành phố trước thềm năm mới.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Hoa cảnh Tết về phố, tiểu thương hồi hộp chờ khách

    TP HCM: Hoa cảnh Tết về phố, tiểu thương hồi hộp chờ khách

    03:00, 26/01/2022

  • TP HCM sẽ đầu tư tuyến đường dọc theo sông Sài Gòn

    TP HCM sẽ đầu tư tuyến đường dọc theo sông Sài Gòn

    11:55, 20/01/2022

  • TP HCM: Thành phố đầu tiên phát triển “giao thông xanh” tại Việt Nam

    TP HCM: Thành phố đầu tiên phát triển “giao thông xanh” tại Việt Nam

    09:03, 19/01/2022

  • TP HCM: Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 23-25%

    TP HCM: Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 23-25%

    16:43, 18/01/2022

  • TP.HCM: Khu phố nhộn nhịp vào Xuân

    TP.HCM: Khu phố nhộn nhịp vào Xuân

    05:00, 18/01/2022

  • TP.HCM: 900 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo

    TP.HCM: 900 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo

    11:42, 09/01/2022

  • TP.HCM: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số thần tốc

    TP.HCM: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số thần tốc

    13:01, 08/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tết ở một xóm lao động ngoại thành Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO