Tết qua đọng lại nỗi buồn

Hoàng Giang 25/02/2018 10:00

Mấy nóc nhà sau lũy tre làng bỗng dưng náo loạn, từng nhóm người tụm năm tụm bảy bàn tán câu chuyện đứa con nhà nọ thua bạc mấy chục triệu đồng. Với cư dân xóm nghèo yên ắng quanh năm suốt tháng còng lưng kiếm cái ăn giữa ruộng đồng thì vài trăm nghìn đã là lớn chứ nói gì đến tiền triệu.

Hình ảnh quen thuộc ở nhiều làng quê trong dịp Tết. Ảnh minh họa.

Tết làng quê như mở hội nhưng chỉ là hội hè ăn chơi, quán cà phê trở thành sới bạc, góc đường, xó chợ là nơi chơi trò tôm cua, hàng trăm thanh niên trai tráng xúm đen xúm đỏ kiếm tiền bằng trò chơi đen đỏ. Thi thoảng lại có vụ ẩu đả vì cãi vã, lâu lâu lại có người mất xe, mất tiền…

Cái đáng sợ là chỉ bắt chân nói phét cả ngày nhưng khi nào cũng rủng rỉnh tiền bạc, nhiều người có nhà lầu xe hơi nhưng cũng xuất hiện những con nợ bạc tỷ trốn biệt xứ người. Ở đâu cũng người ta trầm trồ ông nọ bà kia tự nhiên phất lên như diều gặp gió, chẳng biết đằng sau lớp vỏ hào nhoáng ấy là gì!?

Sau tết là khoảng thời gian ăn chơi bạt mạng, đúng kiểu tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè. Cứ thế cái nghèo còn đeo đẳng, những rắc rối xã hội cũng phát tích từ những cuộc ăn chơi mà không cần lao động. Làng quê không phải giàu lên mà chỉ là nhiều tòa nhà được xây bằng sự bấn loạn của người khác. Đúng là có người giàu lên nhưng đó cũng chỉ là nơi tụ hội của những đồng tiền khổ đau mà kẻ mê cờ bạc nướng vào.

Làng quê sau tết là chuỗi ngày đinh tai nhức óc vì vấn nạn “loa kẹo kéo”. Ai cũng có quyền hưởng thụ đời sống tinh thần nhưng một khi đời sống tinh thần bị đẩy đi quá xa sẽ nảy sinh hệ lụy. Bất kể đêm ngày, bất kể mưa nắng những chiếc loa cứ vang lên mỗi lúc một khét hơn cùng với nồng độ cồn ngấm dần vào máu.

Xóm trước xóm sau, xóm trên xóm dưới, xóm to xóm nhỏ, xóm già xóm trẻ, đủ các hội nghề nghiệp tự phát…, trước tết thì tất niên, sau tết lại gặp mặt đầu năm dù hàng ngày bước ra ngõ đã gặp, có khi còn chẳng chào nhau, đôi lúc ở cạnh nhau như sừng với đuôi.

Tất cả chỉ là cái cớ để thỏa mãn nhu cầu đôi lúc ích kỷ, họ mặc sức hát hò, gào thét vào loa mà chẳng cần biết nhà bên cạnh có em bé sơ sinh không thể bú mẹ, có cụ già gần đất xa trời không chịu nổi phải chống gậy đi quanh. Những nạn nhân xung quanh tuy ngầm phản đối nhưng rồi cũng phải chấp nhận vì một thứ gì đó rất Việt Nam.

Ở làng quê không có cái gọi là “ô nhiễm tiếng ồn”, không tồn tại bất cứ một thứ luật pháp nào đối với những người gây ô nhiễm môi trường sống. Tết cũng chỉ là cái cớ để thỏa chí ăn chơi. Đương nhiên số ít người thức thời ăn nên làm ra nhờ đánh trúng thị hiếu của dân làng.

Một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng đã từng nhận xét đại loại, đất nước Việt Nam là một “siêu làng”, ông gọi đó là “làng, liên làng và siêu làng”. Có lẽ sẽ khập khễnh nhưng tôi hay nhìn vào những ngôi làng kinh tế mới trù phú trên Tây nguyên rồi so sánh với nhiều ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm gần như dẫm chân tại chổ.

Chẳng thể hiểu, nhưng có một điều, những người thành danh đều phải bỏ làng ra đi, hay nói cách khác muốn làm nên nghiệp lớn buộc phải bứt ra khỏi lũy tre làng. Mặc dù làng không phải là nơi quá khó sống, thậm chí còn nhiều nguồn lực chưa ai khai phá.

Tạm gọi đó là sức ỳ của làng, cùng con người ấy nhưng khi ra khỏi làng họ như lột xác hoàn toàn. Lớp trẻ ở làng nay ai cũng muốn làm giàu, thậm chí giàu nhanh nhưng lười lao động, như thế chỉ có một con đường đi tìm giàu có trong bần hàn.

Đất nước ta có hàng ngàn hàng vạn ngôi làng như thế, sâu xa hơn làng là nền tảng của của quốc gia, dù ở đâu sang chảnh nhất trên đất nước này đều thấy bóng dáng của làng. Nhiều làng giàu có văn minh hợp lại thành liên làng văn minh giàu có, nhiều liên làng như thế sẽ thành một siêu làng - đất nước hùng cường. Nhưng cũng tồn tại một logic ngược lại!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tết qua đọng lại nỗi buồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO