CPTPP có hiệu lực đã đặt ra nền kinh tế Việt Nam những nhiệm vụ mà chưa bao giờ xuất hiện ở những năm 2016 – 2017 – 2018, đây là những khó khăn chờ đón nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2019.
Bước tiến mới của Việt Nam
Báo cáo Tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế trong nước chuyển biến tích cực, nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh được cải thiện trong những năm gần đây sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng trong năm 2019.
Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng với nòng cốt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng. Tiêu dùng của dân cư sẽ là nhân tố chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhờ du lịch tăng mạnh, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá.
Báo cáo nhìn nhận, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể khiến cho xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Triển vọng hiệp định tự do Việt Nam – EU, hiệp định CPTPP tạo không gian mới và kỳ vọng cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Đây là hiệp định được đánh giá là tiến xa nhất và toàn diện nhất ở thời điểm hiện nay, thể hiện bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam được kỳ vọng có cơ hội lớn để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt nhờ tác động chuyển hướng thương mại và giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… của Việt Nam sẽ xuất khẩu được sang được các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru với những lợi thế về ưu đãi thuế quan (cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu hoặc hưởng thuế suất 0% cho hàng hóa Việt Nam).
Hiệp định CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác còn tác động lớn tới nền kinh tế VIệt Nam thông qua việc thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công của Nhà nước, từ đó tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
10:50, 05/02/2019
05:04, 06/01/2019
09:58, 12/02/2019
04:00, 11/02/2019
07:12, 25/01/2019
08:54, 18/01/2019
18:24, 17/01/2019
17:30, 17/01/2019
16:10, 17/01/2019
01:30, 17/01/2019
11:01, 14/01/2019
Vẫn còn nhiều thách thức
Liên quan đến những thách thức, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến việc chuyển hướng xuất nhập khẩu hàng hóa như: nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; thay đổi chuỗi cung ứng; thay đổi dòng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, một số thách thức nội tại của nền kinh tế như: trình độ công nghệ còn thấp, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh và chưa thực sự vững chắc; việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, FTA với EU…) đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.
Bình luận về thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019, TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế-Xã hội quốc gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động như biến động về tỷ giá cũng như trên thị trường chứng khoán. Diễn biến thương mại trên thế giới phức tạp phần nào đã, đang và sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, như thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng, dòng chảy FDI từ Trung Quốc không rõ ràng, quá trình Brexit…
Giai đoạn 2019 – 2020, Việt Nam đứng trước những rủi ro khi tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI. Đáng lo hơn là độ mở tài chính quốc gia đang cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế. Tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn (trong hai năm 2019 – 2020 có nhiều khoản nợ đến hạn) cũng ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như khả năng giảm mặt bằng lãi suất.
TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, trên thế giới, lạm phát tăng nhanh, bên cạnh việc đồng USD và dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang, đồng NDT giảm; sức ép lên chi phí vốn đang lan tỏa khi bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Trong nước, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất.
Bên cạnh đó, diễn biến của tình hình giá năng lượng trên thế giới vẫn ở mức cao và việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/ lít đối với mặt hàng xăng) kể từ 1/1 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cho năm 2019.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, từ đầu năm 2019, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã đặt ra nền kinh tế Việt Nam những nhiệm vụ mà chưa bao giờ xuất hiện ở những năm 2016 – 2017 – 2018, đây là những khó khăn chờ đón nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Đó là việc Việt Nam sẽ có thêm những thị trường mới tương đối dễ tính ở Mỹ Latinh, đưa những sản phẩm hàng hóa là thế mạnh của mình chiếm lĩnh thị trường thế giới. Ngược lại, thị trường Việt Nam cũng phải mở cửa cho các nhà sản xuất của khu vực Bắc Mỹ và khu vực có nền kinh tế, sức cạnh tranh, chất lượng hàng hóa cao hơn Việt Nam tràn vào trong nước.