Thách thức “vị ngọt” của SBT

Ngọc Anh 23/11/2018 12:00

Theo phân tích kỹ thuật, nếu vượt qua 22.000đồng/cp, thì cổ phiếu SBT có thể lên tới vùng 25.000đồng/cp trong ngắn hạn.

Đường nhập lậu, áp lực cạnh tranh từ Hiệp định Thương mại Hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA), cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh sẽ là những thách thức lớn đối với CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT) duy trì được “vị ngọt” như hiện nay.

Tính đến nay, SBT sở hữu 9 nhà máy tinh luyện đường từ đường thô và mía với tổng công suất đạt 48.600 tấn/ ngày, tương đương với khả năng sản xuất 620.000 tấn đường/năm.

 Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SBT

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SBT

Lợi nhuận giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của niên độ 2018- 2019 (1/7/2018- 30/9/2018) của SBT, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 2.523 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán/doanh thu thuần lại tăng lên mức 94,4%, so với mức 87,1% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp giảm sút.

Trong khi đó, doanh thu tài chính của SBT trong kỳ đạt 219 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ, nhưng chi phí tài chính của doanh nghiệp lên tới 166 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí lãi vay lên tới 159 tỷ đồng, bằng khoảng 112% lãi gộp, cho thấy chi phí lãi vay của SBT khá lớn.

Tính đến ngày 30/9, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của SBT ở mức 1,8 lần. Với lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn thực dương hơn 267 tỷ đồng vào cuối kỳ, việc trả nợ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của SBT.

Ngoài ra, chi phí bán hàng của SBT cũng tăng lên mức hơn 74 tỷ đồng, tăng 155%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên mức 75,9 tỷ đồng. Tổng 2 khoản mục chi phí này chiếm tới 106% lợi nhuận gộp, cho thấy SBT chưa kiểm soát tốt khoản mục chi phí này.

Kết thúc quý 1, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của SBT đạt 36,7 tỷ đồng, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

4 kênh mũi nhọn

SBT đang đẩy mạnh phát triển 4 kênh tiêu thụ mũi nhọn để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Thứ nhất là kênh công nghiệp. Tại phân khúc này, SBT hiện đang cạnh tranh với những doanh nghiệp sản xuất đường RE chất lượng cao trong nước, như LSS, NIVL, KCP Việt Nam... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ hơn so với SBT. Bởi vậy, SBT vẫn chiếm được lợi thế tại phân khúc này.

36,7 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của SBT trong quý 1 niên độ 2018-2019, giảm 58,4% so với cùng kỳ của niên độ trước.

Thứ hai là kênh tiêu dùng. SBT đang phải cạnh tranh với đường RS nhập lậu từ Thái Lan với giá rẻ hơn khoảng 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, loại đường này của Thái Lan chủ yếu được phân phối cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Bởi vậy, SBT đã phát triển các sản phẩm đường chất lượng tốt hơn và đưa vào phân phối ở các kênh bán hàng có uy tín, với hơn 200.000 điểm bán trên toàn quốc. Ngoài ra, SBT cũng phát triển sản phẩm đường hữu cơ, đường ăn kiêng…

Thứ ba là kênh thương mại. SBT phân phối sản phẩm qua các Cty thương mại.

Thứ tư là kênh xuất khẩu. SBT chủ yếu nhập đường thô về tinh luyện, rồi sau đó xuất khẩu sang các thị trường châu Phi, Trung Đông, Nam Á. SBT cũng xuất khẩu tại chỗ cho các Cty thực phẩm đồ uống.

Sức ép cạnh tranh

Sau khi nhận sáp nhập CTCP Đường Biên Hòa (BHS), SBT trở thành doanh nghiệp sản xuất đường hàng đầu Việt Nam. Theo đó, SBT đã trực tiếp và gián tiếp sở hữu Đường Biên Hòa – Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang, Mía đường Tây Ninh, Mía đường TTC Attapeu,… Điều đó giúp SBT nâng thị phần nội địa lên khoảng hơn 50%.

Tuy nhiên, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan đã gây áp lực cạnh tranh đối với SBT khi giá bán của đường lậu Thái Lan rẻ hơn giá bán buôn đường RS của Việt Nam khoảng 10%.

Ngoài ra, ngành đường Việt Nam còn đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực ASEAN sau khi ATIGA có hiệu lực vào năm 2020. Trước đây, khi chỉ cạnh tranh với đường nhập lậu, SBT và các doanh nghiệp trong nước chỉ phải cạnh tranh ở phân khúc tiêu dùng – bán lẻ. Nhưng nếu đường của các quốc gia trong khu vực được nhập chính ngạch, thì cạnh tranh ở phân khúc khách hàng công nghiệp sẽ gia tăng đáng kể.

Kết thúc phiên giao dịch 19/11/2018, cổ phiếu SBT đóng cửa ở mức 21.600 đồng/cp, tăng gần 52% so với mức đáy 14.250 đồng/cp vào ngày 28/05/2018.

Với kỳ vọng về sự hồi phục của giá đường và sản lượng tiêu thụ tiếp tục được cải thiện, cộng với việc nới room ngoại lên 100%, cổ phiếu SBT được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục hút dòng tiền trong thời gian tới. Theo phân tích kỹ thuật, nếu vượt qua 22.000đồng/cp, thì cổ phiếu SBT có thể lên tới vùng 25.000đồng/cp trong ngắn hạn.

Áp lực với đường Việt

Hiệp định ATIGA quy định các nước ASEAN phải dành cho nhau những ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác FTA. Điều này gây áp lực khá lớn đối với ngành đường Việt Nam khi Việt Nam buộc phải giảm mức thuế nhập khẩu đường về mức 5%, khiến đường Việt Nam có thể mất năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi đường Thái Lan có lợi thế nhờ mức giá rẻ hơn từ 2.000 – 2.500 đồng/kg so với đường Việt Nam.

Theo Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề xuất sản phẩm nước ngọt có đường sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2% lên 12%; và nâng thuế VAT cho đường từ 5% lên 6%. Nếu các dự thảo Luật này được thông qua, sẽ gây khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp nước giải khát cũng như các doanh nghiệp sản xuất đường. Tuy nhiên, hiện mức tiêu thụ đường bình quân tại Việt Nam là 16 kg đường/người/năm, thấp hơn so với Thái Lan là 37 kg đường/ người/ năm, Indonesia 23 kg đường/người/năm, Phillipines 25 kg đường/người/năm và Mỹ là 48 kg đường/người/năm. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ đường tại Việt Nam có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, đường là nguyên liệu quan trọng cho ngành thực phẩm & đồ uống và đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao khi tốc độ tăng trưởng lũy kế (CAGR) sẽ đạt khoảng 11,2%/ năm trong giai đoạn từ nay đến 2020 (bánh kẹo: CAGR 6%, nước giải khát: CAGR 7%, sữa kem: CAGR 10%).

Trong giai đoạn 2018-2019, mặc dù ngành đường vẫn đang nằm trong chu kỳ thấp điểm, nhưng dự báo vẫn sẽ được hỗ trợ từ giá đường hồi phục sau khi Brazil- quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, có thể sẽ giảm cung do hạn hán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức “vị ngọt” của SBT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO