Thách thức với ô tô điện khi hết ưu đãi lệ phí trước bạ

TRẦN THỦY 02/05/2024 04:03

Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, ưu đãi lệ phí trước bạ 0% với ô tô điện sẽ chấm dứt. Lệ phí trước bạ tăng, sẽ là thách thức lớn với ô tô điện thời gian tới.

>>Việt Nam lại “chậm chân” thu hút đầu tư ô tô điện?

Theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ô tô điện được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu 0% trong 3 năm, tính từ ngày 1/3/2022. Từ 1/3/2025 - 28/2/2027, ô tô điện sẽ chịu lệ phí trước bạ lần đầu, bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Ưu đãi ngắn ngủi

Như vậy, chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, ưu đãi lệ phí trước bạ 0% với ô tô điện sẽ chấm dứt. Khoảng thời gian này không còn nhiều, trong khi thị trường ô tô điện Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Hiện tại, có khoảng 8 thương hiệu ô tô đang sản xuất và phân phối chính hãng xe thuần điện tại Việt Nam, gồm VinFast, Wuling, Hyundai, Rolls Royce, Mercedes, Audi, Porsche, Haima. Sắp tới sẽ có thêm một số thương hiệu đến từ Trung Quốc nữa. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2023 mới có hơn 22.000 ô tô điện lăn bánh, chiếm khoảng 0,4% tổng số ô tô đang lưu hành trên cả nước.

 Để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ô tô điện, cần có những chính sách ưu đãi lớn, đồng bộ và dài hạn. (Ảnh: Lắp ráp ô tô điện Hyundai Ioniq 5, tại Nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình)

Ô tô điện Hyundai Ioniq 5, lắp ráp tại Nhà máy Hyundai Thành Công, tỉnh Ninh Bình.

Theo tính toán, khi lệ phí trước bạ tăng, để lăn bánh, người tiêu dùng mua ô tô điện từ 9 chỗ ngồi trở xuống, sẽ phải chi thêm ít nhất là 10 triệu đồng, với chiếc xe có giá rẻ nhất và cao lên đến đến khoảng 900 triệu đồng, với chiếc xe đắt nhất hiện nay.

Hiện tại, ô tô điện từ 9 chỗ ngồi trở xuống, đang được hưởng ưu đãi: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm, từ 1/3/2022 đến tháng 28/2/2025 và thuế tiêu thụ đặc biệt 3% từ 1/3/2022- 28/2/2027. Theo nhận định của các doanh nghiệp, mức ưu đãi này còn khá khiêm tốn, so với nhiều nước trong khu vực.

Lệ phí trước bạ sẽ tăng sau 11 tháng nữa, là thách thức lớn với ô tô điện. Hiện giá thành sản xuất ô tô điện vẫn cao hơn so với xe động cơ đốt trong, hạ tầng dành cho xe điện chưa phát triển. Để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ô tô điện, cần có những chính sách ưu đãi lớn, đồng bộ và dài hạn. Đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống chính sách này. Trong khi đó, ưu đãi lệ phí trước bạ 0% với ô tô điện chỉ diễn ra trong 3 năm, theo các doanh nghiệp là quá ngắn.

Tầm nhìn dài hạn

Tại nhiều quốc gia, chính sách ưu đãi dành cho xe điện đã được ban hành đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Về cơ bản, có 4 nhóm chính sách gồm: ưu đãi cho nhà sản xuất; trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng xe điện và các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện.

Tại Trung Quốc, để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng ô tô điện và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới, Chính phủ đã từng ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi như: trợ cấp cho doanh nghiệp dựa trên doanh số bán hàng; trợ giá cho ô tô điện dựa trên dung lượng pin; trợ cấp tiền cho khách hàng mua ô tô điện; giảm thuế cho ô tô điện; hỗ trợ phát triển hạ tầng sạc điện; giảm phí đối với người sử dụng xe điện… Nhờ những khoản tài trợ “hào phóng” của chính quyền mà ô tô điện tại Trung Quốc phát triển nhanh.

Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức Việt, (TP Hồ Chí Minh), trong giai đoạn đầu phát triển ô tô điện, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh, không nên tăng thuế, phí. Chỉ tăng khi thị trường xe điện đã phát triển, lý tưởng nhất là khi xe điện có doanh số bán vượt xe chạy xăng, dầu.

xxx

Ô tô điện Wuling Mini, lắp ráp tại Nhà máy TMT, tỉnh Hưng Yên.

Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô TMT cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa với xe điện. Thúc đẩy thị trường xe điện phát triển, sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 1 triệu xe/năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước không đáp ứng được, khi đó Việt Nam sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 10 -12 tỷ USD để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng. Sớm ban hành các chính sách đủ mạnh và đồng bộ để phát triển xe điện, sẽ thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển theo như: công nghiệp hóa chất, công nghiệp điện-điện tử, công nghiệp nhựa, công nghiệp khai khoáng…

Đối với lĩnh vực xe điện trên thế giới, hiện nay, tất cả các quốc gia đều chung một điểm xuất phát. Nếu chính sách ưu đãi của Việt Nam ban hành chậm, không đủ mạnh, tỷ lệ nhập siêu trong ngành ô tô sẽ tăng cao, Việt Nam sẽ bị chậm chân trong việc đón cơ hội để phát triển xe điện.

Có thể bạn quan tâm

  • Ô tô điện mini có làm thay đổi thói quen di chuyển của người Việt?

    Ô tô điện mini có làm thay đổi thói quen di chuyển của người Việt?

    04:30, 14/04/2024

  • Việt Nam lại “chậm chân” thu hút đầu tư ô tô điện?

    Việt Nam lại “chậm chân” thu hút đầu tư ô tô điện?

    04:36, 02/04/2024

  • Giảm tiêu thụ 5-6 triệu thùng dầu mỗi ngày nhờ ô tô điện

    Giảm tiêu thụ 5-6 triệu thùng dầu mỗi ngày nhờ ô tô điện

    04:37, 10/01/2024

  • Ô tô điện giá rẻ, sẽ “bùng nổ” vào năm 2024

    Ô tô điện giá rẻ, sẽ “bùng nổ” vào năm 2024

    04:16, 03/01/2024

  • Ô tô điện mini - xu hướng giao thông nội đô mới

    Ô tô điện mini - xu hướng giao thông nội đô mới

    01:00, 15/11/2023

  • Cơ hội cho ô tô điện mini

    Cơ hội cho ô tô điện mini

    15:00, 20/09/2023

  • Có nên hỗ trợ ô tô điện?

    Có nên hỗ trợ ô tô điện?

    02:00, 20/09/2023

  • Công nghiệp ô tô - Bài 10: Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?

    Công nghiệp ô tô - Bài 10: Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?

    04:30, 11/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức với ô tô điện khi hết ưu đãi lệ phí trước bạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO