Việc tiếp tục triển khai Bộ Chỉ số DDCI là giải pháp quan trọng để Thái Bình tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI.
Nhiều điểm mới
Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường kinh doanh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Trong đó, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư được xác định là lực lượng quan trọng đối với nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.
Do vậy, với quyết tâm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ngành, địa phương, đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và đơn vị tư vấn triển khai khảo sát Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2024. Đây là năm thứ 4 tỉnh Thái Bình triển khai khảo sát đánh giá DDCI.
Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn phối hợp làm sạch dữ liệu và lựa chọn ngẫu nhiên 4.082 mẫu khảo sát của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công tại 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 8 huyện.
Phương thức điều tra khảo sát được tiến hành song song 2 phương pháp trực tiếp (15,12%) và trực tuyến (84,88%) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lựa chọn cách thức ghi phiếu trả lời.
Các doanh nghiệp thực hiện chấm điểm đánh giá mức độ hài lòng với hoạt động điều hành kinh tế của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Cụ thể, đối với cấp sở, ngành được đánh giá dựa trên 8 chỉ số thành phần gồm: thực hiện thủ tục hành chính, cấp phép gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; hiệu lực thiết chế; tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đối với các huyện, thành phố được đánh giá bởi 9 chỉ số thành phần bao gồm 8 chỉ số thành phần như cấp sở, ngành và thêm chỉ số tiếp cận đất đai.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc tiếp tục triển khai, đưa vào đánh giá, khảo sát Bộ Chỉ số DDCI tại tỉnh Thái Bình là một quyết định đột phá, giải pháp quan trọng, hiệu quả để Thái Bình tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI và các Chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương của tỉnh.
Được biết, cuộc khảo sát DDCI năm 2024 của tỉnh Thái Bình đã thu về 2.368 phiếu đánh giá đối với 29 đơn vị được khảo sát. Số lượng mẫu phiếu khảo sát năm 2024 tăng gần gấp đôi so với năm 2023. Bộ chỉ số DDCI 2024 còn lấy ý kiến đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và 14 hội thành viên của hiệp hội. Đồng thời, việc khảo sát có sự tham gia của Cục Thống kê tỉnh Thái Bình.
Đặc biệt, Báo cáo DDCI 2024 của tỉnh Thái Bình cũng dành riêng một phần để đánh giá, xếp hạng các sở, ban, ngành và các địa phương về Chỉ số tăng trưởng xanh và bền vững. Chỉ số này cũng là một sáng kiến nhằm hưởng ứng sáng kiến về Chỉ số tăng trưởng xanh (PGI) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu triển khai thực hiện trong những năm gần đây bên cạnh chỉ số PCI.
Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, từ ngày 30/9 - 31/10, đơn vị tư vấn đã phát, thu thập và sàng lọc hơn 12.100 mẫu khảo sát từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh. Đặc biệt, năm 2024 là năm đầu tiên việc khảo sát có sự tham gia của Cục Thống kê nên bảo đảm khách quan, bí mật ngay từ khâu chọn mẫu điều tra. Bên cạnh đó, giữa các bên giám sát chéo nên rất công tâm, bảo đảm được yêu cầu đề ra.
Đưa giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thực tế, công tác triển khai khảo sát, đo lường Bộ Chỉ số DDCI có ý nghĩa quan trọng góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Thái Bình.
Theo kết quả Bộ chỉ số DDCI năm 2024, đối với khối sở, ban, ngành, Sở Xây dựng Thái Bình dẫn đầu bảng xếp hạng khối sở, ngành với 83 điểm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Bình xếp thứ hai với 81,98 điểm, Công an tỉnh Thái bình xếp thứ ba với 80,35 điểm, xếp cuối bảng là Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình với 72,96 điểm.
Về xếp hạng đối với khối địa phương, TP Thái Bình đứng đầu với với 86,28 điểm, xếp thứ hai là huyện Quỳnh Phụ với 86,14 điểm, xếp thứ ba là huyện Đông Hưng với 85,44 điểm. Tiếp đến là các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Hưng Hà, Vũ Thư.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, kết quả khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số DDCI năm 2024 mức điểm trung bình cao hơn so với năm 2023 cho thấy năm 2024 cộng đồng doanh nghiệp đã có những cảm nhận tốt hơn về công tác điều hành kinh tế và quản trị công của các sở, ban, ngành và của chính quyền các huyện, thành phố. Tuy nhiên, mức điểm này cũng cho thấy còn rất nhiều việc mà các sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện tốt hơn nữa để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số DDCI trong năm 2025, theo ông Nguyễn Quang Hưng, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn cần nhận thức đúng đắn về vai trò của Bộ chỉ số DDCI, coi đây là công cụ quan trọng để đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh công tác phối hợp với doanh nghiệp, các sở, ban, ngành cần tăng cường phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần nâng cao sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đối với các đơn vị có thứ hạng cao phải tiếp tục nỗ lực trong cải cách hành chính, thực thi công vụ, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Đối với những đơn vị có thứ hạng thấp phải tăng cường chú trọng rà soát, sửa đổi ngay trong nội tại đơn vị những rào cản, điểm nghẽn, nghiên cứu, sửa đổi những giải pháp để thực hiện tốt hơn trong quá trình xử lý công việc với mục tiêu cuối cùng là hiệu lực, hiệu quả, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân…
Ông Hưng cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của Bộ chỉ số DDCI để nâng cao nhận thức và sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch, triển khai khảo sát Bộ Chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh năm 2025, xây dựng phương pháp khảo sát theo hướng toàn diện hơn và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, là cầu nối đại diện cho tiếng nói, lợi ích chính đáng của hội viên và các doanh nghiệp trên địa bàn…