Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình phải tiếp tục là ngôi nhà chung cho các doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình cùng liên kết, phát triển.
>>>Chủ tịch VCCI chúc mừng doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Bình
>>>Thái Bình: Hướng phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh thân thiện môi trường
Đó là chia sẻ của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong chương trình gặp mặt kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam tại tỉnh Thái Bình.
Theo ông Phạm Tấn Công, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình là một lực lượng đông đảo với trên 10.000 doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, Thái Bình đã chuyển mình và phát triển, thể hiện chủ trương, quyết sách đúng đắn của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình trong hoạch định các chiến lược phát triển của tỉnh. Hạ tầng đã có sự thay đổi rất nhanh và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã có rất nhiều cố gắng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp hội viên. Đồng thời, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế địa phương. Thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình phải tiếp tục là ngôi nhà chung cho các doanh nhân, doanh nghiệp để cùng liên kết, phát triển và cùng nhau xây dựng 1 bản sắc riêng của doanh nhân Thái Bình trong cái chung của doanh nhân Việt Nam. Đó cũng chính là nền tảng giúp cho sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị các cấp uỷ Đảng, HĐND, chính quyền tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình phát triển và mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nhân ngoài tỉnh. VCCI sẽ tiếp tục sát cánh cùng địa phương trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn.
Được biết, cùng với cả nước, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình thời gian qua đã có những bước phát triển mới. Quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp không ngừng được nâng lên.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình có trên 10.000 doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh Thái Bình đã có những nỗ lực phục hồi sản xuất; sáng tạo tiếp cận mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình. 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh Thái Bình tăng 7,72% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,43%; khu vực dịch vụ tăng 6,35% so với cùng kỳ. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Thái Bình đã nộp vào ngân sách tỉnh 2.710 tỷ đồng, nộp thuế xuất nhập khẩu là 1.139 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để khai thác được những cơ hội cho phát triển sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực và các Hiệp định mà nước ta sẽ tham gia trong thời gian tới.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số DDCI của tỉnh năm 2023, phấn đấu công bố kết quả xếp hạng Bộ chỉ số DDCI trong tháng 10/2023 góp phần tích cực vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh trong những năm tiếp theo...
“Cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thường xuyên hiến kế giúp tỉnh ngày càng phát triển; góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực… để chủ động ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân toàn tỉnh cần chủ động và có những giải pháp mang tính chất dài hạn để thích nghi, chuyển đổi phương thức quản lý, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân là một đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, bạn hàng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm ăn lâu dài, ổn định trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào KKT Thái Bình”, ông Thận cho biết thêm.
Còn theo ông Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: “Thời gian qua, phía hiệp hội đã lắng nghe, báo cáo những kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp để UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục được UBND tỉnh giao xây dựng và triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố năm 2023… Với phương châm “doanh nhân phối hợp, doanh nhân tài ba, quốc gia phát triển”, doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ đoàn kết một lòng, chung một ý chí và khát vọng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đưa con thuyền doanh nghiệp đến đích thành công”.
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền tỉnh Thái Bình, trong thời gian tới, nền kinh tế của tỉnh Thái Bình sẽ thực sự cất cánh. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình sẽ nắm bắt được cơ hội này vươn lên phát triển, xứng cùng với các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp các nước trong khu vực”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Có thể bạn quan tâm