Tỉnh Thái Bình đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các KKT, KCN trên địa bàn, trong đó ưu tiên thu hút các lĩnh vực, ngành nghề như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch…
>>>Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Giang Tô – Trung Quốc
Sức hút
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực và quốc tế. Trong cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN. Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có 130 dự án FDI hoạt động và đăng ký mới với tổng vốn đầu tư hơn 2,7 tỷ USD. Trong đó, có 74 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD trong KKT Thái Bình và các KCN, 56 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 0,6 tỷ USD ngoài KKT Thái Bình và các KCN.
Trong tổng số 130 dự án FDI có 27 dự án đầu tư của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 150 triệu USD. Trong đó, có 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 92 triệu USD trong KKT Thái Bình và các KCN, 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 58 triệu USD ngoài KKT Thái Bình và các KCN. Các dự án chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, may mặc... Các dự án này đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Kim In Kyu - Tổng giám đốc Tập đoàn HiteJinro, Thái Bình là địa điểm đầu tư rất lý tưởng. Dự án tại KCN Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình là dự án đầu tiên mà Tập đoàn đầu tư ra nước ngoài. Việc lựa chọn đầu tư này xuất phát từ việc tỉnh Thái Bình đã đáp ứng mọi tiêu chí mà phía tập đoàn đặt ra. Phía tập đoàn sẽ nỗ lực, cố gắng để xây dựng nhà máy này trở thành điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn theo đại diện Công ty TNHH SH Tech E&E Vina, sau chuyến xúc tiến đầu tư của đoàn công tác của tỉnh Thái Bình sang Hàn Quốc, phía doanh nghiệp mới biết đến Thái Bình và quyết định lựa chọn Thái Bình làm địa điểm đầu tư. Quá trình triển khai dự án sản xuất cụm dây điện dành cho xe ô tô điện và các loại xe có động cơ khác của công ty đã chứng minh cam kết của lãnh đạo tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thái Bình tại Hàn Quốc là hoàn toàn đúng đắn. Với sự hỗ trợ rất nhiệt tình, tích cực của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, chỉ trong 1 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, phía doanh nghiệp đã đi vào sản xuất. Phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án trong thời gian tới và dự kiến sẽ tạo việc làm cho 400 - 500 lao động địa phương.
Kiến tạo môi trường đầu thuận lợi
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 9 KCN đã được thành lập với diện tích quy hoạch 2.227ha và KKT Thái Bình với diện tích 30.583ha. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, năm 2023 tỉnh phấn đấu thu hút được 1 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực thúc đẩy nhiều giải pháp cụ thể mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu, hợp tác sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Trong đó, đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, địa phương này xác định đây là một trong những thị trường truyền thống, đối tác, nhà đầu tư chiến lược, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn FDI Hàn Quốc đầu tư vào Thái Bình vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Bình.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư vào các KKT, KCN, CCN trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên thu hút các lĩnh vực, ngành nghề như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện, điện tử; các dự án đầu tư có quy mô lớn, suất đầu tư cao, giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm đất đai…
>>>Thái Bình: Doanh nghiệp vượt khó phát triển kinh tế xã hội
Theo ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, tỉnh Thái Bình đang có những chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp chế tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm... Chính quyền địa phương cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý đầu tư cũng như bảo đảm các điều kiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, ổn định cho nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh; sẵn sàng lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư.
Được biết, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp. Riêng đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, tỉnh Thái Bình đã thành lập Văn phòng Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh tại Hàn Quốc và thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ Hàn Quốc của tỉnh (Korea Desk Thai Binh) do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Qua đó, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư.
Theo đại diện UBND tỉnh Thái Bình, chỉ tính từ đầu năm đến nay, địa phương đã tổ chức làm việc với một số cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài như: Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc; Công ty TNHH Hyosung Việt Nam; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Tổng Công ty nhà đất Hàn Quốc... Đồng thời, địa phương này cũng đã tổ chức thành công đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trong đó có Hàn Quốc. Thông qua việc xúc tiến này, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã nắm bắt được đầy đủ hơn về tiềm năng, thế mạnh, các KCN của tỉnh Thái Bình. Từ đó có góc nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về môi trường đầu tư, nắm bắt cơ hội để thực hiện các hoạt động đầu tư tại Thái Bình.
Có thể bạn quan tâm