Kinh tế địa phương

Thái Bình: Giữ vững ngành công nghiệp là đầu tàu của kinh tế

HIỀN BÙI 09/08/2024 1:13

Công nghiệp là ngành sản xuất trọng điểm, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng kinh tế của Thái Bình. Kết quả tăng trưởng tích cực trong 7 tháng qua chủ yếu do sức kéo của “đầu tàu” công nghiệp.

Điểm sáng...

Năm 2024, Thái Bình đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt từ 8,5 - 9%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 52.300 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian qua, ngành may mặc phục hồi và phát triển trở lại khi thị trường xuất khẩu được khơi thông. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2024. Nhờ vậy mà kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8% và kim ngạch nhập khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Bình chú trọng rà soát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhất là các dự án lớn. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Đến ngày 19/7, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt gần 11.000 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 270 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

2(1).jpg
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng của tỉnh Thái Bình ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023

Được biết, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh Thái Bình vẫn duy trì đà tăng trưởng với GRDP ước đạt 33.657 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố và thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng.

Những kết quả đó sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp Thái Bình hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Với vai trò tích cực là đầu tàu của nền kinh tế, ngành công nghiệp Thái Bình có sự nổi bật. Đặc biệt là sự tăng trưởng của lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 39.100 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, nhiều lĩnh vực có giá trị tăng cao như: sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 6.871 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt hơn 37.400 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023...

Theo ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Xác định bứt phá trong phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự lan tỏa, kích thích các lĩnh vực khác tăng trưởng, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế trọng điểm này. Cấp ủy, chính quyền chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỉnh tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, đầu tư; chủ động xúc tiến thương mại, đầu tư; đơn giản hóa giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội để thu hút đầu tư…

Tạo động lực thúc đẩy

Ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành công thương chủ động tham mưu cho tỉnh tổ chức lễ phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; gặp mặt, chúc tết doanh nghiệp; khởi công, khánh thành một số dự án lớn, tạo không khí sôi nổi, thi đua sản xuất, kinh doanh và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thương mại điện tử để tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Để giữ vững vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, từ nay đến cuối năm, ngành công thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công thương. Trong đó, chú trọng rà soát, tham mưu tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là các dự án lớn để các dự án sớm đi vào hoạt động, tạo năng lực sản xuất mới trong toàn ngành.

Theo BQL Các Khu công nghiệp: Để duy trì hiệu quả đà tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm thực hiện đó là tạo bứt phá từ thu hút đầu tư. Đến ngày 19/6, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt gần 7.800 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt hơn 230 triệu USD, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh, Thái Bình đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; tổ chức thành công đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh; đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Zhu Yin Fu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotes Việt Nam cho biết: Chúng tôi quyết định lựa chọn Thái Bình làm địa điểm đầu tư bởi Thái Bình có môi trường kinh doanh, văn hóa an toàn; đặc biệt là có sự hỗ trợ rất tích cực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái và các sở, ngành, địa phương đối với doanh nghiệp. Chính vì thế, việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chân kết nối ram máy tính, cáp nối dùng cho máy tính và thiết bị điện tử của Công ty gặp rất nhiều thuận lợi.

1(2).jpg
Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh Thái Bình ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2024

Không chỉ giữ vững ngành công nghiệp là đầu tàu của nền kinh tế đồng thời tạo sự bứt phá từ thu hút đầu tư, từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Hiện lđịa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất tỉnh Thái Bình, 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất của huyện Thái Thụy ước đạt hơn 15.240 tỷ đồng, tăng 8,63% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 2,65%; khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản ước tăng 11,9% và khu vực thương mại, dịch vụ ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong thời gian tới, huyện Thái Thụy quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; chủ động triển khai đầy đủ các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh; ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo điều hành; phấn đấu giá trị sản xuất năm 2024 tăng 15,93% so với năm 2023.

Ông Tăng Bá Phúc - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh đánh giá: Những chỉ số kinh tế những tháng qua đã cho thấy bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều tín hiệu phục hồi và có xu hướng tăng tiến. Một số trụ đỡ, lĩnh vực quan trọng như: đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng tiến; thương mại, dịch vụ sôi động trở lại.... Đây chính là những dấu hiệu đáng mừng thể hiện xu thế chủ động đầu tư; qua đó, tạo thêm nguồn lực và là cơ sở để tỉnh có thể hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra là hơn 8,5%.

Ông Nguyễn Văn Lâm – GĐ Công ty Thiết bị Văn Lâm cho biết: Để giữ vững ngành công nghiệp là đầu tàu của nền kinh tế, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện có phấn đấu đưa công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công giai đoạn 2023-2025 và khuyến công địa phương. Đồng thời tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn…

Từ đó tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Có được như vậy thì sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Giữ vững ngành công nghiệp là đầu tàu của kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO