Trong những năm gần đây, Thái Bình luôn đi đầu trong cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Việc trở thành điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
>>>Thái Bình đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng
Xác định công tác giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quan trọng, là nguyên nhân chính cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính vì thế, UBND tỉnh đã cụ thể hóa trách nhiệm cụ thể đối với từng địa phương.
Là một trong những dự án trọng điểm của huyện Hưng Hà, nhờ thực hiện tốt công tác GPMB nên đến nay dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐH.65A, ĐH.65B huyện Hưng Hà đoạn từ quốc lộ 39 (Km46+100) đi đường ĐH.59 đi di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La giai đoạn 1 thuộc địa phận 2 xã Hòa Tiến, Tân Tiến cơ bản thực hiện đúng tiến độ đã đề ra. Đến hết tháng 9/2022, dự án đạt được hơn 60% giá trị khối lượng theo hợp đồng và được thanh toán 60% kế hoạch vốn năm 2022 đã phân bổ chi tiết.
Ông Nguyễn Đức Anh, chỉ huy trưởng công trình cho biết: Trong quá trình thi công, đơn vị thi công luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, các ban, ngành liên quan và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các xã nơi tuyến đường đi qua đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau khi nhận được mặt bằng, đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực và vật tư để thi công dự án bảo đảm đúng tiến độ đề raThái Bình Thái Bình .
Theo lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà cho biết: 9 tháng đầu năm 2022, huyện Hưng Hà đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt từ khâu huy động nguồn vốn, thực hiện các quy trình đầu tư đến việc đôn đốc thanh toán vốn đầu tư cơ bản bảo đảm tiến độ thực hiện theo kế hoạch dự toán năm, đáp ứng nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tính đến hết tháng 9 giải ngân đầu tư công của huyện là 210,13 tỷ đồng, đạt 72,7% kế hoạch.
Trong thời gian tới, huyện Hưng Hà tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, để tạo nguồn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thanh toán các công trình trọng điểm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, thanh toán, quyết toán công trình theo đúng các quy định hiện hành; theo dõi sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư của từng dự án; xem xét điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình (nếu cần thiết) để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư được giải ngân theo đúng tiến độ, kế hoạch, nâng cao hiệu quả.
Theo ông Trần Văn Viển - Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt hơn 30% so kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và là một trong những địa phương có tiến độ giải ngân dẫn đầu cả nước.
Tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất là dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 452 nằm trên địa bàn huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), đã đạt khoảng 55% kế hoạch vốn. Tiếp đó là Dự án cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn từ đê sông Trà Lý đến đường 219 (huyện Kiến Xương) đạt 37,3% kế hoạch vốn; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà, tỷ lệ giải ngân đạt 30,5% kế hoạch vốn.
Cụ thế hóa bằng những hành động
Được biết, hiện nay điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là công tác GPMB tại các dự án. Để tháo gỡ khó khăn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các kế hoạch nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ban ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng sạch tại các đoạn tuyến vướng mắc, các đơn vị thi công đã tập trung huy động máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án đưa vào sử dụng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình: Ngay từ đầu năm, Thái Bình đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, từ đó quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch được giao. Trong đó, việc giao kế hoạch vốn đầu tư công được Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho tỉnh thực hiện theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thực hiện đầu tư các công trình nước sạch.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và quyết định thành lập ban chỉ đạo của tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương giám sát, đánh giá đầu tư các công trình, dự án, trên cơ sở đó tham mưu kịp thời cho tỉnh điều chỉnh kế hoạch của những dự án chậm tiến độ và giải ngân cho những dự án trọng điểm, có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Được biết, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đầu tư công năm 2022, tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện nghiêm túc quy định về tỷ lệ phân bổ kinh phí giữa việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản và đầu tư các công trình cấp bách, thiết yếu ở địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi không bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo từng mốc thời gian cụ thể.
Không chỉ chú trọng thực hiện công tác GPMB, Thái Bình còn yêu cầu các cơ quan quản lý ngân sách bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán vốn, kiên quyết không để hồ sơ tồn đọng. Với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm soát và giải ngân vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh luôn đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành gửi đến kho bạc để thanh toán vốn.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết: KBNN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN); tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát chi và linh hoạt áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng hồ sơ, thủ tục thanh toán của từng dự án cụ thể và đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, giúp nguồn vốn đến được các dự án, công trình nhanh nhất; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của công chức trong đơn vị, đặc biệt là công chức giao dịch với khách hàng.
Có thể bạn quan tâm