Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Thái Bình sẽ được vay vốn ngân hàng theo quy định, bảo đảm việc cung ứng đầy đủ xăng dầu
>>>Hải Dương: Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó về nguồn cung
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu thông tin tình hình vay vốn tại hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh (tên ngân hàng hiện tại đang vay vốn, nhu cầu vay vốn thời gian tới), gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình trước ngày 15/11/2022.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tinh tháo gỡ khó khăn, giải quyết đề nghị của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu được vay vốn ngân hàng theo quy định, bảo đảm việc cung ứng đầy đủ xăng dầu và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 105 thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó có 1 thương nhân đầu mối, 3 thành viên của thương nhân đầu mối, 9 thương nhân phân phối, 2 tổng đại lý và 90 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, trên địa bàn Thái Bình còn có 2 kho xăng dầu với tổng sức chứa 75.000m3, trong đó kho xăng dầu Hải Hà của Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà sức chứa 63.000m3, kho trung chuyển Thái Bình của Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Thái Bình sức chứa 12.000m3.
Không chỉ thiếu về nguồn nguyên liệu để bán, phần lớn các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn gặp khó khăn vì giá nhập vào cao, không còn chiết khấu dẫn đến càng kinh doanh càng thua lỗ.
Ông Bùi Quang Hoan - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Quang Huy có cửa hàng xăng dầu Đông Long (xã Đông Long, huyện Tiền Hải) cho biết: “Thiếu xăng dầu để duy trì bán cho khách hàng đã khó khăn chúng tôi còn phải chịu thêm cảnh bán ít lỗ ít, càng bán nhiều càng lỗ nhiều vì giá nhập xăng dầu vào hiện nay cao hơn giá bán lẻ. Cụ thể, nếu nhập xăng Ron 92, Ron 95 mỗi lít chúng tôi phải mua vào cao hơn giá bán lẻ khoảng 800 đồng; còn nhập dầu DO thì cao hơn 1.000 đồng. Trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi tháng cửa hàng của chúng tôi kinh doanh lỗ 30 triệu đồng, chúng tôi quá mệt mỏi. Cứ đà kinh doanh lỗ sâu như này, chúng tôi cũng phải xin tạm dừng hoạt động”.
>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu
>>Quảng Ninh: Đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu
Mặc dù phải bù lỗ nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn “cắn răng” chờ đợi. Ông Phạm Ngọc Tân - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Thịnh Hà (Đông Hưng) cho biết, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phải nhập xăng dầu với giá cao hơn mức bán lẻ khiến cho mua bán càng nhiều càng lỗ nặng. Nhưng để cung cấp, giữ chân đối tác khách hàng với hy vọng khó khăn sớm đi qua nên chúng tôi vẫn phải cố gắng duy trì và chờ đợi. Hiện tại Công ty cố gắng bảo đảm đủ xăng cấp cho các cửa hàng trong hệ thống của Công ty.
Một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex Thái Bình, nguồn cung ứng xăng dầu vẫn đảm bảo tốt. Trao đổi với DDDN, đại diện Petrolimex Thái Bình cho biết, doanh nghiệp vẫn đảm bảo đủ nguồn cung dự trữ và đảm bảo cả về tài chính để đáp ứng nhu cầu cung ứng xăng dầu phục vụ thị trường.
Mấy tuần qua, trên địa bàn một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng,…xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Thái Bình vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung cấp xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ của nhân dân.
Theo bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình, hiện nay nguồn cung xăng dầu phục vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm. Qua làm việc và kiểm tra tại một số thương nhân phân phối lớn như Hải Hà, PV Oil Thái Bình, Petrolimex Thái Bình, các doanh nghiệp này cho biết đã tăng lượng nhập hàng đáp ứng đủ lượng xăng dầu cho thị trường của tỉnh. Tuy nhiên, việc giá chiết khấu xăng dầu thấp khiến cho hoạt động kinh doanh bị thua lỗ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, Cục QLTT Thái Bình đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức 2 đoàn công tác, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Kết quả giám sát cho thấy, các đơn vị nhập khẩu xăng dầu và các đơn vị phân phối xăng dầu đều cam kết đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều hoạt động bình thường, chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, như: mở cửa bán hàng theo đúng thời gian đã đăng ký, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không có biểu hiện đầu cơ, găm hàng nhằm mục đích nâng giá, ép giá và chấp hành đầy đủ các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu…
Có thể bạn quan tâm