Nghiên cứu - Trao đổi

Tránh tái diễn tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Bài & Ảnh: Gia Nguyễn 10/10/2024 04:30

Để đảm bảo sự ổn định của thị trường xăng dầu, một số ý kiến cho hay, cần chia tách doanh nghiệp để phân định rành mạch giữa nhập khẩu và phân phối, bán lẻ…

Để tiếp tục bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung.

tranh-tai-dien-tinh-trang-dut-gay-chuoi-cung-ung-xang-dau-24.1.1.jpg
Tại Công điện mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng, dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng - Ảnh minh họa

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng, dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng, dầu trong hệ thống phân phối xăng, dầu của mình (từ đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định…

Thông tin về nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, hai nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn và Bình Sơn) sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3 tấn. Trong khi đó, ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm đạt hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng); tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn. Nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, mặc dù hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay, bao gồm hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, nhiều doanh nghiệp làm nhiệm vụ phân phối và hơn chục nghìn cây xăng lẻ nằm rải rác trên cả nước, tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường xăng dầu đã không ít lần xuất hiện các “bất ổn”, điển hình là việc thiếu xăng dầu cục bộ xảy ra vào cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

tranh-tai-dien-tinh-trang-dut-gay-chuoi-cung-ung-xang-dau-24.1.2.jpg
Tuy nhiên, những bất ổn của thị trường xăng dầu có nguy cơ tái diễn khi mức chiết khấu của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ liên tục xuống thấp thời gian qua - Ảnh minh họa

Đáng nói, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện trạng đã nêu xuất phát từ việc doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bị “bóp” chiết khấu dẫn đến thua lỗ, hoạt động cầm chừng cho đến nay lại tiếp tục tái diễn và đang hiện hữu tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự ổn định của thị trường.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trưa 9/10, tại kho Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, nhà cung cấp báo chiết khấu xăng 300 đồng/lít, dầu 150 đồng/lít, so với cuối tuần trước, mức này đã hạ sâu. Chiết khấu tại kho xuống thấp, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển về 150-170 đồng/lít trên 100km, dẫn tới doanh nghiệp càng bán càng lỗ.

Còn tại kho Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu áp dụng từ ngày 8/10 xuống mức rất thấp, trong đó, xăng RON 95 là 50 đồng/lít; dầu DO 0.005 ở mức 50 đồng/lít, đáng chú ý, xăng E5 RON 92 mức chiết khấu về 0 đồng/lít.

Hiện trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự ổn định của thị trường xăng dầu, nếu không có giải pháp giải quyết triệt để, bất cứ lúc nào hiện tượng đứt gãy cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 vừa qua sẽ một lần nữa tái diễn. Vậy, làm sao để tránh hiện trạng đã nêu?

Nhiều ý kiến cho hay, để giải quyết hiện trạng này, chính sách cần tránh tình tạo ra sự độc quyền, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Trong đó, quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác, trong khi đó thương nhân phân phối lại chỉ được mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau tại Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần được xem xét lại.

Bởi, việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường.

Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu, với cách thức quy định về quyền kinh doanh như Dự thảo Nghị định, các thương nhân đầu mối sẽ trở thành người lãnh đạo thị trường, biến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng (thương nhân phân phối và bán lẻ) rơi vào vị thế phụ thuộc hoặc làm thuê cho doanh nghiệp đầu mối, trừ các doanh nghiệp là công ty con của thương nhân đầu mối. Đó là sự bất bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần yêu cầu các doanh nghiệp độc quyền chia tách doanh nghiệp để phân định rành mạch giữa nhập khẩu và phân phối, bán lẻ.

Góp ý về vấn đề này, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai cho hay, Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần quy định các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu và đầu mối nhập khẩu chỉ được bán cho các đơn vị thuộc sở hữu.

“Việc Bộ Công Thương cần làm chính là sắp xếp lại thị trường, rà soát và thanh lọc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không đủ năng lực và các thương nhân phân phối sân sau của các doanh nghiệp đầu mối. Đây mới là vấn đề cốt lõi của việc ổn định nguồn cung xăng dầu”, vị này bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tránh tái diễn tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO