Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường số, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, huy động lực lượng tăng cường đấu tranh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình
Nhiều phương thức thủ đoạn
Theo BCĐ 389 Thái Bình: Hiện nay, xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng thịnh hành, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển. Bên cạnh mang lại tiện ích cho người tiêu dùng, TMĐT cũng trở thành “lãnh địa” cho các đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và lưu thông hàng giả. Đặc biệt, có những trang mạng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian.
Thậm chí trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát.
Còn nhiều khó khăn nữa, đó là các đối tượng đưa thông tin lên mạng thì hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.
Thêm nữa ,trong quá trình yêu cầu các đơn vị là các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát website về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... còn gặp một số khó khăn. Do các sàn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.
Các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn. Đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát.
Đáng quan ngại, còn có một số hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, khó xác định kho bãi, nguồn gốc hàng hóa, làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra hết sức khó khăn.
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường số, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, huy động lực lượng tăng cường đấu tranh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT.
Mới đây, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Thái Bình) bất ngờ kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm Nguyễn Hạnh tại đường Trần Nhật Duật, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này kinh doanh mỹ phẩm trên website đang hoạt động, có giỏ hàng thực hiện hoạt động mua bán, trên website chưa thể hiện dấu đã đăng ký với cơ quan chức năng.
Chủ cơ sở thừa nhận có thuê đơn vị thiết kế website từ năm 2022, hiện tại vẫn đang sử dụng website để phục vụ hoạt động bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng. Với hành vi này, chủ cơ sở bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Quý - Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Kinh doanh trên website không đăng ký với cơ quan chức năng chỉ là một trong nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT.
Qua công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng số thời gian qua, chúng tôi thấy nạn kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận về giá có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Hiện nay, vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã và đang vô cùng phức tạp và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, các đối tượng chủ yếu sử dụng nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok để quảng cáo và bán hàng, trong khi đó pháp luật về TMĐT chưa có quy định, chế tài đối với nền tảng này. Hoạt động livestream quảng cáo, bán hàng và chốt đơn ngay trên các nền tảng mạng xã hội thường được tổ chức vào ngoài giờ hành chính, ban đêm, địa điểm không cố định, ngay tại nhà ở khiến lực lượng QLTT không thể tiếp cận được.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên TMĐT thường không có kho hàng hoặc kho hàng không cùng nơi với địa chỉ kinh doanh, chốt đơn nên khi lực lượng chức năng có kiểm tra cũng khó xác định được hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Thái Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Không thể phủ nhận TMĐT mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và thúc đẩy lưu thông hàng hóa, song nó cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp để tội phạm thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kiên quyết xử lý
Thời gian qua, lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý của các sàn TMĐT, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi.
Trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ "bùng nổ" như hiện nay, đặc biệt là trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Để phòng ngừa và đấu tranh chống tệ nạn này, Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo lực lượng mũi nhọn - Đội QLTT số 1 tập trung bám nắm địa bàn, tăng cường trình sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vững chắc nghiệp vụ kết hợp với vận động quần chúng tham gia tố giác tội phạm, vào cuộc quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT Đội số 1 đã kiểm tra 22 lượt, xử lý 19 vụ với 27 hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về nhãn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, chất lượng và hàng lậu, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 600 triệu đồng.
Riêng lĩnh vực TMĐT, Đội QLTT số 1 đã xử lý 7 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 134 triệu đồng; tịch thu 5.415kg vải, 80 lọ nước hoa, 1.000 áo chống nắng và hàng trăm phụ kiện điện thoại.
Cục QLTT tỉnh Thái Bình nhận định, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh cũng là thời điểm nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nguy cơ gia tăng nhất là trên các nền tảng TMĐT.
Với quyết tâm giữ cho thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lãnh đạo Cục chỉ đạo huy động lực lượng vào cuộc và phối hợp với các lực lượng chức năng phân tích địa bàn, ngành hàng, những điểm nóng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu để tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời.
Rà soát, tổng hợp, cập nhật dữ liệu về TMĐT, huy động các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh trên không gian mạng.