Những năm qua, Thái Bình nỗ lực thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, mang lại kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm OCOP đã thúc đẩy nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
>>>Thái Bình: Giải phóng mặt bằng - “chìa khóa” thu hút đầu tư
Từ giá trị sản phẩm...
Theo lãnh đạo Sở Công thương: Tham gia chương trình OCOP đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tiếp cận phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, thúc đẩy chế biến sâu, làm đa dạng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa. Đồng thời, tạo “làn gió mới” cho các sản phẩm nông nghiệp về quảng bá, phát triển thị trường, góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Ngô Văn Duẩn - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Doanh nghiệp chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên – Tiền Hải cho biết: Đơn vị chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được thành lập năm 2019. Từ khi trứng, vịt biển Đông Xuyên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, giá trị sản phẩm của chúng tôi đã được nâng cao, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm trứng vịt, thịt vịt Đông Xuyên có mặt tại các siêu thị được người tiêu dùng ưa thích. Không chỉ dừng ở làm logo, khẩu hiệu mà chúng tôi còn luôn nỗ lực đưa chất lượng sản phẩm đi cùng với thương hiệu. Tiếp nối thành công, 2 sản phẩm này còn được công nhận danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021.
Theo ông Duẩn, để xây dựng sản phẩm theo hướng bền vững, ngay từ ngày đầu doanh nghiệp đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí. Trong đó, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi vịt của Trung tâm vịt Đại Xuyên, doanh nghiệp còn bổ sung chế phẩm EM tỏi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào nước uống. Thức ăn cho vịt đẻ và vịt thịt cũng được đặt sản xuất riêng. Ngoài ra, doanh nghiệp đang dùng chế phẩm sinh học là vi sinh để đưa vào làm công thức tỏi mật ong ứng dụng trong phòng bệnh cho vịt. Từ khi áp dụng chăn nuôi vịt sạch, sản phẩm mới đáp ứng được 40% nhu cầu thị trường. Tiêu biểu như năm 2022 đã đưa ra thị trường 180 vạn quả trứng và 7 vạn con vịt thương phẩm. Năm 2023 phấn đấu đưa sản phẩm trứng, vịt biển Đông Xuyên ra thị trường gấp 1,5 lần so với năm 2022.
Theo bà Bùi Thị Tuyết, chủ doanh nghiệp nước mắm Đoán Tuyết cho biết: Nước mắm mang thương hiệu Đoán Tuyết được thị trường ưa chuộng do chất lượng thơm ngon, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản trong quá trình sản xuất. Nước mắm ở đây được sản xuất từ con tép biển và muối. Với phương thức thủ công truyền thống, nước mắm có màu thẫm và mùi thơm đặc trưng, càng để lâu càng sánh, càng thơm ngon. Cơ sở chúng tôi một năm cung cấp ra thị trường trên 55.000 lít nước mắm, giá thành mỗi lít 100.000 đồng. Hiện cơ sở đang chủ động nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống đóng chai tự động quy trình khép kín nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc HTX cho biết: Từ khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm có mã vạch, có tem mác, được đưa lên sàn thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ tốt hơn, giá thành cũng cao hơn. Đây chính là động lực để HTX tuyên truyền các hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục nghiên cứu cải tiến mẫu mã, nâng tầm chất lượng, gia tăng sản lượng gấp 2 - 3 lần, cung cấp cho thị trường những sản phẩm độc, lạ, đẹp, có sức cạnh tranh cao.
...đến xây dựng thương hiệu bền vững
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể và người dân tích cực tham gia thực hiện sản phẩm OCOP, huyện Tiền Hải còn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì, mẫu mã, quy trình sản xuất, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm; ứng dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.
Tính đến tháng 4/2023, Tiền Hải đã có 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm: vịt biển, trứng vịt biển Đông Xuyên, nước mắm Đoán Tuyết, nước mắm Tiền Châu, gạo 3T Thái Bình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tây An, chiếu trúc Minh Đức, gạo sạch Tây Ninh, tép khô biển, chả tôm, nõn tôm, chả cá song Ngọc Minh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm để giữ vững danh hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành chức năng địa phương tiếp tục đồng hành cùng các chủ thể bằng những giải pháp hỗ trợ thiết thực, phối hợp với cơ quan của tỉnh bảo vệ các sản phẩm OCOP thông qua công tác kiểm soát thị trường, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả. Kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Ông Phạm Hoàng Sỹ - Giám đốc Công ty SXKD gạo chất lượng cao Đông Tân cho biết: Doanh nghiệp đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu rộng 70ha, thóc được sấy khô ngay sau thu hoạch, chế biến và đóng gói đều bằng dây chuyền hiện đại cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo ông Sỹ, năm 2022, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trên 300 tấn gạo làng Giắng cho bà con. Giá lúc thu mua cao hơn giá thị trường gần 10%. Đặc biệt, sản phẩm gạo làng Giắng của công ty đã được một số doanh nghiệp, cửa hàng đăng ký mua với số lượng lớn, lâu dài. Điều đó cho thấy OCOP đã giúp tạo dựng thương hiệu cho gạo làng Giắng, hướng xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Ông Mai Đức Nhân - Giám đốc HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La cho biết: Từ khi HTX tổ chức chế biến nghệ và củ sắn dây thành tinh bột thì giá trị đã tăng lên gấp nhiều lần. Cả 2 sản phẩm của HTX vừa được tỉnh công nhận OCOP 4 sao. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi đưa sản phẩm của mình vươn ra tỉnh ngoài, tạo nhiều việc làm hơn cho lao động địa phương.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Để đạt mục tiêu khẳng định thương hiệu nông sản OCOP Thái Bình, địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, HTX. Tổ chức rà soát sản phẩm chủ lực của tất cả các địa phương, trên cơ sở đó và căn cứ vào các tiêu chuẩn để lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể những phần việc còn yếu để có thêm nhiều sản phẩm OCOP. Các địa phương tiếp tục thực hiện mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp, nhà khoa học. Cùng với đó, nâng tầm chất lượng lên 4 sao, 5 sao, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm của các địa phương.
Có thể bạn quan tâm