Khu bảo tồn bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy có 1.609 ha rừng ngập mặn, là một trong số 68 vùng đất ngập nước quan trọng của Việt Nam.
Vùng đất ngập nước ven biển Thái Thụy hiện có diện tích rừng ngập mặn tự nhiên với độ tuổi ước tính trên 50 năm với loài bần chua chiếm ưu thế chủ yếu ở xã Thụy Trường. Nơi đây có khoảng 1.000 loài động vật sống trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ. Đặc biệt, có một số loài chim nước di cư, trú đông được ghi trong Danh lục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế như: Cò thìa, Mòng bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa, Quắm đầu đen...đến trú ngụ và kiếm ăn. Năm 2004, vùng ngập nước ven biển Thái Thụy đã được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng”. Với giá trị trị đặc biệt về đa dạng sinh học, khu đất ngập nước Thái Thụy đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch trở thành Khu Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đến năm 2020.
Theo đề xuất, Khu Bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy nằm ở vùng ngoài đê 8 và đê bao của huyện Thái Thụy, thuộc 5 xã và 1 thị trấn. Phía Bắc tiếp giáp Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam tiếp giáp sông Trà Lý, phía Đông giáp biển Đông với 24km bờ biển và vùng nước ven biển Thái Thụy, phía Tây tiếp giáp đê số 8 và đê bao. Khu Bảo tồn có tổng diện tích là 13.100 ha. Tuy nhiên, có phát sinh vướng mắc khi Khu Bảo tồn chồng lấn gần 7.900ha với Khu kinh tế Thái Bình, tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong quản lý, triển khai các dự án Khu kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
12:41, 31/12/2018
03:03, 22/12/2018
00:59, 14/12/2018
Trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về việc thành lập Khu bảo tồn, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định: Việc bảo tồn không chỉ bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học tự nhiên trong vùng đất ngập nước ven biển mà còn tạo sinh kế cho người dân từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà Caitlin Wiesen cũng mong muốn tỉnh Thái Bình khi thành lập khu kinh tế và các khu công nghiệp cần nghiên cứu thận trọng, tránh tác động, ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái và môi trường của Khu bảo tồn đất ngập nước huyện Thái Thụy.
Để sớm thành lập Khu Bảo tồn, ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đề nghị phía UNDP và Bộ TNMT thành lập tổ tư vấn để phối hợp với tỉnh đánh giá khoa học, lấy khuyến nghị chuyên gia về tác động môi trường của Khu Bảo tồn; đưa ra giải pháp tối ưu bảo vệ môi trường. Việc bảo tồn thiên nhiên phải gắn liền với phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, Thái Bình đang nghiên cứu phê duyệt quy hoạch khu kinh tế, vì vậy, tỉnh cam kết việc quy hoạch 2 khu (Khu Bảo tồn và Khu kinh tế) sẽ không chồng lấn lên nhau. Việc thành lập Khu Bảo tồn có thể tiến hành đồng thời, không phải chờ đợi tỉnh thành lập Khu kinh tế.