"Luôn xác định việc thu hút đầu tư vào tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhà đầu tư thành công tại tỉnh chính là động lực phát triển của Thái Bình".
Đó chính là khẳng định của ông Trần Huy Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình về "kim chỉ nam" của quê hương 5 tấn khi giờ đây, việc thu hút đầu tư được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm
08:46, 04/12/2018
20:13, 10/12/2018
10:34, 16/11/2018
Chính từ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phân tích thực trạng và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hôm nay, ngày 21/12/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo “cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Thái Bình: thực trạng và giải pháp”. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tham dự và có những chia sẻ về bức tranh toàn cảnh PCI Việt Nam 2017 cũng như của tỉnh Thái Bình qua góc nhìn của VCCI.
Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn cũng chia sẻ về chỉ số PCI khi chỉ số đánh giá này ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn và quan trọng hơn đối với các tỉnh, thành phố, trong việc đánh giá và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. "Một số tỉnh từng nói doanh nghiệp thường trả lời phiếu điều tra của VCCI là những doanh nghiệp bất mãn, không hài lòng về tỉnh", ông Tuấn cũng khẳng định "điều đó đúng và đúng với tất cả các tỉnh". Vì vậy nên ở đâu có tỷ lệ doanh nghiệp bất mãn, không hài lòng về chính quyền cao thì xác suất rơi vào mẫu điều tra sẽ cao.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thái Bình cho rằng: Thái Bình đã và đang "nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển lớn mạnh, đồng thời hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh cá thể đủ điều kiện nâng cấp mô hình hoạt động thành doanh nghiệp, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh".
Trong những năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thái Bình luôn nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và tích cực xúc tiến, vận động đầu tư.
Theo báo cáo, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp Thái Bình tăng mạnh: năm 2016 có 86 dự án đầu tư, năm 2017 có 89 dự án và năm 2018 có 112 dự án, vốn đầu tư 7.595 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quy mô lớn như các Tập đoàn: Dầu Khí, Điện Lực, Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, tổng Công ty Viglacera... Có 76 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn ODA là 1.585 tỷ đồng. Đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 6.275 doanh nghiệp và 821 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động, với vốn đằng ký gần 61.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI hàng năm của Thái Bình trong những năm qua mặc dù có sự cải thiện về thứ hạng nhưng lại chưa ổn định. Nguyên nhân là do các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chưa đánh giá đầy đủ vai trò đầu tầu trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn hạn chế, một số cán bộ công chức còn chậm đổi mới, thái độ phục vụ chưa hết lòng… ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài những thuận lợi cơ bản thì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn gặp phải nhiều khó khăn. Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Vẻ cho biết những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải tập trung vào các lĩnh vực như: thủ tục hành chính ở một số khâu vẫn còn rườm rà, thời gian giải quyết xử lý vẫn còn kéo dài, thuế đất các doanh nghiệp phải nộp đã được xem xét giảm nhưng vẫn còn ở mức rất cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Về tín dụng: còn nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất nhưng khó tiếp cận được nguồn vốn vay, một số cơ chế chính sách của Nhà nước chưa hoàn thiện nên chưa tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một trong các giải pháp mà VCCI khuyến nghị với các tỉnh, thành phố là tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp đang ở trên địa bàn, đây cũng là một cách thức để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. "Không phải chỉ là kêu gọi các nhà đầu tư mới vào tỉnh mà còn phải làm cho các doanh nghiệp đang làm ăn ở địa phương ngày càng thuận lợi", ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.
Để chấn chỉnh, khác phục những hạn chế, thiếu sót, những nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của doanh nghiệp, ngày 20/11/2015, UBND tỉnh Thái Bình đã tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Với các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Bình và VCCI, ông Trần Huy Quân mong muốn Thái Bình sẽ phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội của tỉnh.