Thái Bình: Thúc đẩy phát triển toàn diện thương mại, dịch vụ

MINH HUỆ 04/03/2024 02:13

Những năm qua Thái Bình đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại dịch vụ phát triển nhanh về số lượng, quy mô và đa dạng các loại hình theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

>>>Quảng Ninh: Kiên quyết không để nuôi thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long

Tiềm năng ...

Theo Sở Công thương: Với sự phát triển nhanh về kinh tế, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm các loại hình bán lẻ hiện đại ngày càng tăng, tạo điều kiện cho hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tự chọn phát triển. 

Khai thác lợi thế, phát triển toàn diện lĩnh vực thương mại, dịch vụ (Ảnh minh họa)

Khai thác lợi thế, phát triển toàn diện lĩnh vực thương mại, dịch vụ (Ảnh minh họa)

Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong tỉnh cảm nhận rõ nét về sự phát triển của lĩnh vực thương mại thương mại du lịch , dịch vụ. Đối với các vùng nông thôn, hệ thống chợ dân sinh được đầu tư nâng cấp, xây mới từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo tiểu thương vào kinh doanh, mang lại cơ hội mua sắm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con. Còn tại khu vực đô thị, người dân cảm thấy thích thú với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng tiện ích, trung tâm điện máy, siêu thị, trung tâm thương mại. 

Bà Trần Lam Phương - thành phố Thái Bình chia sẻ: Trước đây, nhiều người nghĩ đi mua sắm ở trung tâm thương mại hay siêu thị là cái gì đó rất lạ lẫm, xa xỉ và chỉ có ở thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội. Giờ đây, ngay tại Thái Bình mọi người đều có thể trải nghiệm hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại và rất tiện ích này vì có những trung tâm thương mại, siêu thị như Vincom Plaza, WinMart, Go, Victory...

Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 siêu thị, 2 trung tâm thương mại. Trong 6 năm tới, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình sẽ triển khai xây dựng mới ít nhất 42 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, trong đó có 1 trung tâm thương mại hạng I, 23 trung tâm thương mại hạng II, hạng III tại các xã, phường trên địa bàn thành phố, khu vực thị trấn và 11 trung tâm thương mại tại các xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Thái Bình nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa và người tiêu dùng sẽ có những trải nghiệm mua sắm hấp dẫn hơn. 

Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ truyền thống cũng được đầu tư, phát triển theo hướng xã hội hóa. Chủ trương của tỉnh là phát triển đồng bộ, đa dạng hệ thống hạ tầng thương mại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Riêng hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân, bà Lan chia sẻ.

Đặc biệt, tỉnh xác định chuyển đổi số cũng là một trong những “mắt xích” quan trọng nhằm góp phần phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại; các sở, ngành, địa phương đang tập trung phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 siêu thị, 2 trung tâm thương mại.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 siêu thị, 2 trung tâm thương mại.

Sở Công Thương đã triển khai phương án chuyển đổi số toàn ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, kết nối xúc tiến thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Sendo. Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (mã vạch QR code, chip NFC, blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.

Khai thác lợi thế...

Để khai thác lợi thế ngành thương mại dịch vụ Sở Công Thương và các sở, ngành chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân số hóa dữ liệu các hộ kinh doanh, sản phẩm làng nghề truyền thống và thí điểm cấp mã QR cho hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.

Để có được kết quả đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ. Tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng của ngành như mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM, cửa hàng lớn... và mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn, tạo điều kiện cho ngành thương mại phát triển hài hòa, hợp lý.

Tỉnh đã huy động nguồn lực đáng kể cho đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ; hỗ trợ kinh phí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chợ, nhất là về vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm... nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại dần được hoàn chỉnh đã góp phần tích cực cho phát triển thương mại nội địa.

Đặc biệt, khi tuyến đường bộ ven biển và cao tốc CT.08 được hoàn thành và đưa vào khai thác, Thái Bình trở thành địa bàn đặc biệt quan trọng kết nối giữa 2 vùng: đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Để phát huy địa thế “vàng” đó, UBND tỉnh quyết tâm quy hoạch xây dựng Thái Bình trở thành địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa cho hai vùng này. 

Hạ tầng thương mại và dịch vụ của tỉnh sẽ không ngừng được đầu tư đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới (Ảnh: Báo Thái Bình)

Hạ tầng thương mại và dịch vụ của tỉnh sẽ không ngừng được đầu tư đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới (Ảnh: Báo Thái Bình)

Theo ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương: Đây là tầm nhìn chiến lược và sớm đón bắt cơ hội, khai thác lợi thế riêng có của tỉnh để đưa lĩnh vực dịch vụ của Thái Bình bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, phương án của tỉnh là khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển thương mại điện tử.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ. Phát triển du lịch thông minh, bền vững gắn với phát huy giá trị văn hóa, tự nhiên đặc trưng của địa phương để đưa Thái Bình trở thành trung tâm kết nối về du lịch xanh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. 

Bà Nguyễn Lan Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch VTB (thành phố Thái Bình) cho biết: Là doanh nghiệp dịch vụ lữ hành trong nước và quốc tế, chúng tôi thấy Thái Bình có rất nhiều di tích, nghệ thuật văn hóa, ẩm thực, làng vườn là điểm đến, chất liệu tuyệt vời để phát triển du lịch song thời gian qua chưa được khai thác có hiệu quả. Tôi cho rằng ngoài công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, việc tỉnh quy hoạch và đầu tư cho hạ tầng dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng để có thể đánh thức, phát huy những tiềm năng du lịch đó phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong thời kỳ 2021 - 2030, thương mại, dịch vụ của Thái Bình sẽ có bước phát triển toàn diện và nhảy vọt nhờ quy hoạch bài bản, có trọng điểm.

Được biết, trong chiến lược phát triển lĩnh vực dịch vụ của tỉnh đến năm 2030, Thái Bình sẽ thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ. Bên cạnh mở ra ngành nghề mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các trung tâm dịch vụ logistics còn hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển và góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch Tỉnh Thái Bình tạo động lực phát triển kinh tế

    Quy hoạch Tỉnh Thái Bình tạo động lực phát triển kinh tế

    16:40, 03/03/2024

  • Tiết lộ mới của TikTok về bối cảnh người tiêu dùng tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương

    Tiết lộ mới của TikTok về bối cảnh người tiêu dùng tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương

    02:00, 02/03/2024

  • “Én gọi xuân về” mang tinh thần thép cho doanh nghiệp Thái Bình

    “Én gọi xuân về” mang tinh thần thép cho doanh nghiệp Thái Bình

    01:30, 23/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Thúc đẩy phát triển toàn diện thương mại, dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO