Trong thời đại 4.0, sản xuất kinh doanh, đi du lịch, đặt khách sạn, đi chợ online, thực hiện thủ tục hành chính... tất cả những tiện ích đó đều được thực hiện trên môi trường mạng.
>>>Thái Bình: Tạo “cú hích” đón nhà đầu tư
Đi vào thực chất
Theo ông Nguyễn Đức Đỉnh - thôn Bổng Điền Nam - xã Tân Lập - Vũ Thư - Thái Bình: Gia đình ông có thâm niên 30 năm trong nghề trồng nấm. Trước đây, để chăm sóc 3.000m2 tương ứng 15 vạn bịch nấm phải cần 20 - 25 nhân công mà hiệu quả mang lại không cao. Nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt hệ thống phun sương tự động giúp ông giảm chi phí về nhân lực, tốn ít thời gian chăm sóc, hiệu quả mang lại rõ rệt.
Ông Đỉnh tâm sự: Trước đây trồng nấm, việc chăm sóc chủ yếu bằng biện pháp thủ công. Mỗi lần tưới để tạo độ ẩm cho nấm cần nhiều người, mất nhiều thời gian, nước tưới không đều, nấm hay bị hỏng nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp.
Năm 2021, được Trung tâm Khuyến nông Thái Bình (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật với phương pháp tưới nước tự động thuận tiện rất nhiều trong chăm sóc. Cũng là việc tạo độ ẩm cho nấm nhưng nếu như trước phải mất 2 tiếng đồng hồ, giờ chỉ cần 3 - 5 phút là hoàn thành. Chưa kể, không cần phải ở nhà tôi vẫn có thể tưới nước cho nấm bằng chiếc điện thoại nhỏ gọn, thông minh được kết nối mạng wifi; sản lượng tăng nhờ đó năng suất cũng được tăng lên khoảng trên 20% so với trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor: Với khối lượng máy móc lên đến hàng nghìn chiếc nhưng mỗi ca sản xuất chỉ có khoảng từ 20 - 25 công nhân vận hành máy móc bởi các dây chuyền đều được sử dụng máy móc hiện đại.
Theo ông Thi, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bước vào thời kỳ số hóa công nghệ, thay vì sử dụng sức người, mọi hoạt động đều dựa trên máy móc với độ chính xác cao. Hoạt động sản xuất tại Công ty chúng tôi ngay từ khi đi vào hoạt động đã xác định việc chuyển đổi số công nghệ được ưu tiên hàng đầu. Công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm dây chuyền máy móc nhập khẩu hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phù hợp với từng dây chuyền sản xuất để giảm chi phí về nhân công, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Cũng nhờ áp dụng máy móc kỹ thuật cao mà năng suất lao động tăng lên, nguồn thu nhập của người lao động được bảo đảm, mức lương kể cả trong thời điểm dịch COVID-19 cũng đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Thêm cách làm mới
Ông Đỗ Như Lâm - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Chuyển đổi số không thêm việc mới mà thêm cách làm mới cho cách làm hiện tại. Với công việc hiện nay có rất nhiều cách làm và chuyển đổi số là cách để giải quyết công việc đó và sẽ làm tốt hơn cách cũ. Chẳng hạn, tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVII vừa qua, thay vì sử dụng những bộ tài liệu dày như trước đây, toàn bộ văn bản được số hóa, chỉ với một chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, đại biểu tự tra cứu tài liệu, văn bản, các tờ trình... trên phần mềm do VNPT Thái Bình cung cấp.
Đây chính là tiện ích “Kỳ họp không giấy tờ” được HĐND tỉnh triển khai để thực hiện chủ trương đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Ông Vũ Xuân Hùng - PCT thường trực UBND huyện Quỳnh Phụ là đại biểu HĐND tỉnh thuộc tổ Quỳnh Phụ khẳng định, việc tài liệu được số hóa chỉ là cách làm mới chứ không phải thêm một việc mới nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, từ việc giảm kinh phí, giảm thời gian... góp phần cải cách thủ tục hành chính toàn diện.
Theo ông Lâm, trong cuộc sống, hàng ngày chúng ta vẫn đang thực hiện những cách làm mới để thay thế cho những cách làm cũ nhưng chúng ta lại không nhận ra được sự thay đổi đó. Bình thường nếu ta nói chuyện với nhau cần phải đến gặp nhau nhưng hiện nay chúng ta đang sử dụng những ứng dụng như zalo, facebook... không cần gặp mặt vẫn có thể nói chuyện với nhau, đó chính là cách làm mới của chuyển đổi số.
Hay như trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh không đến trường nhưng vẫn cùng thầy cô và các bạn học tập trực tuyến. Với các doanh nghiệp thay vì quản lý sổ sách, chứng từ tài liệu bằng giấy thì quản lý trên hệ thống máy và chủ doanh nghiệp không cần có mặt tại nơi làm việc vẫn nắm được tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Với người dân không cần đến cơ quan nhà nước vẫn yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết những thủ tục hành chính. Đó chính là những cách làm mới rất hiệu quả mà không phải thêm việc mới.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Để đảm bảo công tác chuyển đổi số đi vào thực chất hơn nữa, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, trong đó yêu cầu xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, đơn vị chủ trì, phối hợp. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng; chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến; quy chế, quy định về việc tăng cường sử dụng chữ ký số, thư điện tử công vụ, giải quyết công việc, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương.
Có thể khẳng định, chuyển đổi số đang ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động cho các cơ quan, đơn vị, tiết kiệm được thời gian, chi phí, giảm được giá thành sản xuất cho doanh nghiệp cũng như thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình thực hiện các công việc của mình.
Có thể bạn quan tâm