Thái Bình: Vì sao Công ty Phương Anh không chịu trả đất mượn chính quyền?

LAN VŨ 03/08/2021 13:30

Đường đã được chuyển giao vào ngày 23/12/2019 nhưng 3ha đất do UBND tỉnh tạm giao để làm lán trại, tập kết vật liệu xây dựng phục vụ thi công đường thì doanh nghiệp “dây dưa” mãi không chịu trả.

Năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh được UBND tỉnh Thái Bình giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài trên 26 km và tuyến đường nhánh Đền Trần. Quy mô vốn đầu tư gần 4.300 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 2.500 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư theo hình thức BT do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bắc Nam đề xuất.

Để phục vụ thi công dự án, có nơi tập kết vật liệu, lán trại UBND tỉnh Thái Bình đã thu hồi đất nông nghiệp ở 2 huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà tạm giao cho Công ty Phương Anh. Cụ thể, diện tích được giao ở xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) là 7.690m2; diện tích ở Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà là 23.099m2.

Bãi tập kết thành bãi đỗ xe...

Ngày 12/4/2019, Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình có văn bản số 16/TB-VPUBND thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc bàn giao dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thống nhất nhà đầu tư sẽ bàn giao các quỹ đất mượn làm nơi tập kết vật liệu, làm lán trại phục vụ thi công tuyến đường cho Trung tâm phát triển quỹ đất và Kỹ thuật Tài nguyên thuộc Sở TNMT quản lý cùng với việc chuyển giao tuyến đường.

Tuy nhiên, mặc dù ngày 23/12/2019 tuyến đường chính đã được chuyển giao theo giá trị quyết toán tại Quyết định số 3064 của UBND tỉnh Thái Bình là hơn 4.666 tỷ đồng nhưng 3ha đất được tạm giao để phục vụ thi công dự án đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp bàn giao. Thậm chí doanh nghiệp này còn bất hợp tác với chính quyền, “chây ỳ” không muốn trả?

Theo Sở TNMT tỉnh Thái Bình, Trung tâm phát triển quỹ đất và Kỹ thuật Tài nguyên đã 3 lần gửi giấy mời Công ty Phương Anh về bàn giao các khu đất để đưa vào quản lý theo quy định (Giấy mời ngày 10/1/2020, giấy mời ngày 6/2/2020, giấy mời ngày 21/4/2020). Tuy nhiên, Công ty Phương Anh không phối hợp thực hiện. Công ty nêu nhiều lý do khác nhau và không về bàn giao các khu đất.

Ngày 1/6/2020, Sở TNMT tỉnh Thái Bình tiếp tục có văn bản số 1380/STNMT-QLĐĐ báo cáo và đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Phương Anh bàn giao các khu đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất và Kỹ thuật tài nguyên trước ngày 15/6/2020.

khu đất được UBND tỉnh Thái Bình tạm bàn giao cho Công ty Phương Anh nằm ở vị trí đắc địa

Khu đất được UBND tỉnh Thái Bình tạm bàn giao cho Công ty Phương Anh nằm ở vị trí đắc địa

Thế nhưng Công ty Phương Anh tiếp tục không hợp tác, không bàn giao, Sở TNMT lại một lần nữa mời giám đốc Công ty Phương Anh tổ chức họp vào ngày 10/7/2020 (giấy mời số 153/GM-STNMT ngày 7/7/2020) để thống nhất việc bàn giao diện tích các khu đất nêu trên. Tuy nhiên Giám đốc Công ty Phương Anh vẫn không đến dự họp. Mặc dù Công ty Phương Anh đã nhận được Giấy mời, đồng thời Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đấy và Kỹ thuật tài nguyên cũng điện thoại liên hệ trực tiếp với Giám đốc Công ty Phương Anh mời về dự họp.

Tại cuộc họp, Sở TNMT thống nhất với Sở GTVT những nội dung đã nêu tại Văn bản số 1380/STNMT-QLĐĐ ngày 01/6/2020, đồng thời đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Phương Anh di chuyển toàn bộ tài sản trên đất, bàn giao các khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật tài nguyên trước ngày 15/8/2020 để đưa vào quản lý theo quy định. Trường hợp Công ty Phương Anh cố tình không phối hợp thực hiện thì Sở TNMT báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

Theo quan sát, hai khu đất được UBND tỉnh Thái Bình tạm bàn giao cho Công ty Phương Anh nằm ở vị trí đắc địa, tiếp giáp với mặt đường lớn. Khu đất tại xã Quỳnh Trang phía trong có nhiều xe container, xe tải chở hàng. Khu đất tại thị trấn Hưng Hà vẫn đang tập kết xe, máy móc công trình.

Cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều đặc quyền, đặc lợi mà Công ty Phương Anh được hưởng khi thực hiện nhiều dự án tại Thái Bình. Ở dự án đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Thanh tra Chính phủ kết luận vi phạm của Thái Bình khi thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân và bàn giao cho bà Hoàng Thị Phương – Giám đốc và Công ty Phương Anh sử dụng để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng nhưng không thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai.

Công ty Phương Anh là một cái tên “quen” xuất hiện nhiều dự án hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, trải dài từ Bắc vào Nam và rất có tiếng tại Thái Bình. Nhưng không hiểu lý do gì công ty này lại “dây dưa” không chịu bàn giao khu đất 3ha cho chính quyền.

Để tìm hiểu nguyên nhân này, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ với bà Hoàng Thị Phương – Giám đốc Công ty Phương Anh. Tuy nhiên, bà Phương từ chối trả lời và… cáo bận.

Rõ ràng, có sự “khó hiểu” trong việc Công ty Phương Anh cố tình chây ì không bàn giao trả mặt bằng giao tạm thi công dự án cho chính quyền tỉnh Thái Bình. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng còn mối liên hệ khó hiểu nào đó ràng buộc giữa chính quyền và Công ty Phương Anh, bởi nếu doanh nghiệp không hợp tác, chính quyền có thể cưỡng chế để thu hồi khu đất nói trên.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "kêu trời" vì bị ngưng nhận container nhập khẩu

    11:15, 03/08/2021

  • VASEP: Doanh nghiệp sẽ phải “sống chung lâu dài” với dịch COVID-19

    VASEP: Doanh nghiệp sẽ phải “sống chung lâu dài” với dịch COVID-19

    10:00, 03/08/2021

  • Bổ sung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều khoản thuế giảm sâu

    Bổ sung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều khoản thuế giảm sâu

    16:20, 02/08/2021

  • Bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chịu tác động của dịch COVID-19

    Bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chịu tác động của dịch COVID-19

    20:00, 31/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Vì sao Công ty Phương Anh không chịu trả đất mượn chính quyền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO