Để tránh mức thuế xuất khẩu 36% từ Mỹ, Thái Lan đã đề xuất mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ trong bối cảnh hạn chót 9/7 đến gần.
Trong nỗ lực cuối cùng nhằm tránh mức thuế xuất khẩu lên tới 36% do chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất, Thái Lan đã đưa ra một bản đề xuất mới với Mỹ, theo Bloomberg.
Nội dung bản đề xuất bao gồm việc mở rộng quyền tiếp cận thị trường Thái Lan cho hàng hóa nông sản và công nghiệp của Mỹ, đồng thời tăng cường nhập khẩu năng lượng và máy bay từ Boeing.
Đây được xem là một bước đi chiến lược của Bangkok nhằm bảo vệ tăng trưởng kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh nguy cơ mất thị phần tại thị trường Mỹ đang trở nên hiện hữu.
Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira, đề xuất mới của Bangkok hướng đến mục tiêu giảm 70% thặng dư thương mại hiện tại với Mỹ — ước tính khoảng 46 tỷ USD trong vòng 5 năm, và tiến tới cân bằng thương mại trong 7 đến 8 năm. Đây là một bước tiến đáng kể so với cam kết trước đó của Thái Lan là xóa bỏ thặng dư trong vòng một thập kỷ.
Ông Pichai cho biết ông sẽ trình bản đề xuất cập nhật này trước ngày 9/7, thời điểm kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế 90 ngày mà Tổng thống Trump đã công bố từ tháng 4.
Nếu được Mỹ chấp thuận, Thái Lan có thể ngay lập tức miễn thuế hoặc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan đối với phần lớn các mặt hàng của Mỹ. Với một nhóm hàng hóa nhỏ hơn, Thái Lan sẽ áp dụng lộ trình dỡ bỏ dần theo thời gian.
Một điểm đáng chú ý là nhiều sản phẩm Mỹ mà Thái Lan dự kiến mở cửa thị trường là những mặt hàng đang thiếu hụt nguồn cung trong nước. Do đó, ít khả năng gây tổn hại đến nông dân hay doanh nghiệp nội địa.
“Chúng tôi đang đưa ra một đề xuất đôi bên cùng có lợi,” Bộ trưởng Pichai chia sẻ và cho biết thêm, Mỹ có thể mở rộng thương mại với Thái Lan, còn Thái Lan có cơ hội tinh giản thủ tục và cắt bỏ rào cản hành chính không cần thiết.
Trong bối cảnh một số quốc gia đã đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, ông Pichai nhấn mạnh Thái Lan đang hướng đến mức thuế “tối ưu” là 10%, và mức trong khoảng 10–20% vẫn được xem là chấp nhận được. “Kịch bản xấu nhất là chúng tôi đạt được thỏa thuận kém nhất so với các nước trong khu vực,” ông nói.
Để tăng sức nặng cho đề xuất, Thái Lan cũng đã điều chỉnh mạnh mẽ kế hoạch nhập khẩu năng lượng từ Mỹ, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), và đẩy mạnh các cam kết mua máy bay Boeing.
Các doanh nghiệp lớn nội địa như SCG Chemicals Pcl và PTT Global Chemical Pcl đã đồng ý nhập thêm ethane từ Mỹ. Tập đoàn năng lượng nhà nước PTT Pcl cũng cho biết họ có thể mua tới 2 triệu tấn LNG/năm từ dự án khí đốt Alaska trong vòng 20 năm.
Bên cạnh đó, các công ty quốc doanh khác đang tìm hiểu khả năng hợp tác phát triển dự án này. Thai Airways – hãng hàng không quốc gia – cũng đang xem xét kế hoạch mua tới 80 máy bay Boeing trong những năm tới.
Với Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, việc không đạt được thỏa thuận có thể khiến lượng hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, làm giảm tới 1 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đặc biệt, kinh tế Thái Lan hiện đã chịu nhiều áp lực từ nợ hộ gia đình cao nhất khu vực Đông Nam Á và mức tiêu dùng nội địa yếu kém.
Thêm vào đó là yếu tố bất ổn chính trị khi Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bị tạm đình chỉ do cáo buộc vi phạm đạo đức trong xử lý tranh chấp biên giới với Campuchia, khiến tâm lý giới đầu tư càng thêm hoài nghi.
Thống kê mới nhất cho thấy xuất khẩu Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2025 đã tăng khoảng 15%, chủ yếu nhờ các đơn hàng được dồn trước thời điểm áp thuế. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã dự đoán trước rủi ro và hành động kịp thời. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp ngắn hạn. Nếu mức thuế 36% được kích hoạt, Thái Lan khó tránh khỏi tác động tiêu cực lan rộng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.